Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

HOA VIỆT ĐỒNG VĂN, ĐỒNG CHỦNG 2

Xin hãy trả lời tôi: trong bối cảnh phức hợp lịch sử-văn hóa đó, thì “thoát Trung” là thoát cái gì? Làm sao mà “thoát Trung” khi đồng văn đồng chủng? Chối bỏ học thuyết Khổng Tử trong văn hóa, tâm linh cũng vô nghĩa như chối bỏ dòng máu Mông Cổ trong huyết quản vậy! Càng hoang đường hơn khi có người kêu gào “thoát Á để phát triển!” Làm sao mà “thoát Á” khi Việt Nam là trung tâm sản sinh con người cùng văn hóa châu Á?! Một ý tưởng hư vô tại hại, dẫn người ta lạc lối!

Do suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng, không nên làm những việc không thể làm! Không cần phải “thoát” Trung mà chúng ta cần hiểu chân thực về Trung Quốc, về bản thân mình để đương đầu với vận mệnh mà lịch sử đã sắp đặt!
Tổ tiên chúng ta từng di chúc: “Yêu nhau rào dậu cho chắc!” Cách ứng xử này không chỉ với hàng xóm mà cả với lân bang. Một đất nước dân chủ, người dân được tự do, gắn bó máu thịt với chính quyền thực sự của mình. Một quân đội hùng mạnh đủ để giữ gìn đất nước. Một biên giới vững vàng như thành đồng vách sắt. Một thể chế chính trị tự chủ. Một nền kinh tế độc lập. Một quan hệ thân thiện, bình đẳng với các quốc gia láng giềng… Thực hiện lời dạy của Khổng Tử: “Người quân tử sống hòa mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục.” Làm được như vậy, không cần phải “thoát” cái gì cả, chúng ta sẽ sống vững vàng với người anh em đồng văn đồng chủng, núi liền núi, sông liền sông.

Không còn nghi ngờ gì nữa, toàn bộ chứng cứ từ cuốn sách này cho thấy, Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông. Tuy nhiên, từ cuốn sách cũng toát lên sự thật không thể phản bác: Văn minh Việt Nam thua kém văn minh Trung Hoa. Điều này không chỉ thể hiện từ sau cuộc xâm lăng của nhà Hán mà còn từ xa xưa, khoảng 6000-7000 năm trước, khi so sánh các di chỉ khảo cổ Việt Nam với những nền văn hóa khảo cổ trên đất Trung Hoa. Không thể không thừa nhận, công cụ đồ đá mới Hòa Bình, Bắc Sơn xuất hiện sớm hơn, phong phú và tinh xảo hơn so với Trung Hoa. Nhưng cũng không thể không thừa nhận, tại Việt Nam không có di chỉ văn hóa đá mới nào có thể sánh ngang với những Giả Hồ, Ngưỡng Thiều, Long Sơn, Hà Mẫu Độ, Lương Chử... Việt Nam không có loại gốm tinh xảo như "gốm vỏ trứng" Long Sơn. Đồ ngọc Việt Nam không nhiều mà cũng không đẹp bằng ngọc Hồng Sơn hay Lương Chử...

Có thể ký tự tượng hình xuất hiện sớm nhất trên bãi đá Sapa nhưng chữ tượng hình chỉ thực sự ra đời trên lưu vực Dương Tử: Giả Hồ, Lương Chử, Cảm Tang rồi Ân Khư... Chữ vuông tượng hình do chính người Việt sáng tạo nhưng rồi lại hoàn toàn thuộc về người Hoa mà người Việt Nam phải học nhờ với lòng tin như đinh đóng cột rằng đó là chữ của người Trung Quốc!

Nghịch lý này tôi dần phát hiện trong quá trình khảo cứu sâu về lịch sử, văn hóa phương Đông. Nhưng lý giải nguyên do của nó không đơn giản. Sự thể có lẽ như sau:

Trước 5000 năm cách nay, đồng bằng sông Hồng cũng như đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh chưa hình thành. Việt Nam và Đông Dương là địa hình rừng núi chia cắt. Môi sinh như vậy khiến con người buộc phải sống phân tán theo nguồn nước và những rẻo đất hẹp. Sau thời gian dài trồng khoai sọ, bầu bí, rau đậu... người Việt thuần hóa được cây kê và lúa. Nhưng đất trồng lúa quá ít, không cho phép tạo ra nền nông nghiệp lớn. Một khi không có nền nông nghiệp lớn thì không thể tập trung nhân tài vật lực để có thể làm những việc lớn.

Lớp lớp người Việt di cư lên phía Bắc, đã mang theo công cụ đá mài, vật nuôi cùng kinh nghiệm nông nghiệp của quê nhà. Tại lưu vực Dương Tử, đất rộng, phì nhiêu nên có thể tiến hành sản xuất lớn. Lương thực dư thừa khiến con người quần tụ đông đảo. Từ đó việc phân công lao động nảy sinh. Lớp thợ thủ công chuyên nghiệp ra đời, ngày thêm lành nghề. Khi có một bộ phận người không phải lo kiếm miếng ăn hàng ngày, họ có thể dành thời gian "vẽ" chữ, mô phỏng hình dáng đồ vật. Chữ "nhật", chữ "nguyệt", chữ "âm", chữ "dương", chữ "mục", chữ "nhĩ"... ra đời. Lại có người nhớ tới bài học về trời, mây, trăng sao mang đi từ quê nhà, nay ngắm sao Bắc Đẩu để khám phá thiên văn, nhìn thế đất để hoạch định địa lý. Theo năm tháng, một nền văn hóa tinh thần phong phú xuất hiện.

Cũng phải kể đến sự kiện là, người Việt sống ở nam Hoàng Hà luôn tiếp xúc với người du mục trên đồng cỏ bờ Bắc. Khi hai nền văn minh đối kháng gặp nhau, tất nảy sinh sự đối đầu mãnh liệt. Dân nông nghiệp vốn sống ưa tĩnh, hiền lành cố nhiên bị choáng váng trước những đòn tấn công dũng mãnh của kẻ xâm nhập tàn bạo. Nhưng sau nhiều nếm trải bằng máu và nước mắt, người Việt học được từ kẻ thù lối tư duy phân tích, tính quyết đoán nhanh nhạy cùng cách thức tổ chức phòng thủ bảo vệ xóm làng. Và cố nhiên, cũng học được nhiều điều từ văn minh phương Tây do người du mục đem tới. Qua hàng nghìn năm sống bên kẻ thù khó chơi, buộc người Việt phải khôn ngoan hơn, cứng rắn hơn. Sự khôn ngoan của Nam Hoàng Hà được truyền xuống lưu vực Dương Tử.

Cuộc xâm lăng của Hiên Viên năm 2698 TCN là bước ngoặt lớn của lịch sử phương Đông. Với nhà nước Hoàng Đế xuất hiện và người Hoa Hạ ra đời, lịch sử và văn hóa phương Đông được đẩy nhanh không chỉ vận tốc mà cả chất lượng. Do tiếp thu hai dòng máu và hai nền văn minh, người Hoa Hạ sáng tạo thời kỳ Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông. Chữ tượng hình của người Việt được đưa lên Hà Nam nhưng cả nghìn năm vẫn là phù tự để ghi chép những bùa chú, bài cúng tế, bói toán. Chỉ khi vua Bàn Canh nhà Thương chiếm Hà Nam, dựng đô ở Ân Khư, chữ giáp cốt mới có sự phát triển vượt bậc cả về khối lượng và phẩm chất. Đến đời Chu, những trí thức vô danh đã tổng kết nền văn hóa Việt nho thành Tam phần, Ngũ điển ghi trên sách đồng và thẻ tre. Rồi Khổng Tử điển chế thành Ngũ Kinh. Phản ánh trung thực công việc của mình, Ngài nói: “Ta chỉ là người thuật lại mà không trước tác”. Với sức mạnh của chính quyền quân chủ chuyên chế, nhà Tần đã chuẩn hóa chữ viết. Tiếp đó, trí thức thời Hán, Đường, Tống khảo cứu Dịch, khôi phục Tử vi, Phong thủy… làm cho văn hóa phi vật thể Trung Hoa có diện mạo như hôm nay. Có thể nói một cách hình tượng: văn hóa phương Đông như một cây đại thụ sum suê cành lá cùng hoa trái thì đất Việt Nam như cái gốc sinh ra mọi thứ nhưng hoa trái lại nở trên phần ngọn là Trung Hoa.

Trong khi phương Bắc là cuộc cạnh tranh sống mái năng động và quyết liệt thì tại phương Nam, cuộc sống vẫn thanh bình trong nhịp đi chậm chạp, ngày càng lạc hậu so với đồng bào của mình ở phương Bắc.
Khoảng 4500 năm trước, do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ, người Việt từ Núi Thái, Sông Nguồn di cư về Việt Nam. Lúc này đồng bằng sông Hồng đã được bồi tụ. Vốn từng trải qua cuộc đấu tranh cam go và tích lũy nhiều kinh nghiệm tổ chức xã hội, người di cư đoàn kết, lãnh đạo dân bản địa, mở cuộc khai thác vùng đất mới, làm nên văn hóa Phùng Nguyên và tiến tới văn hóa Đông Sơn…

Tới đây, một câu hỏi nảy sinh: “Đúng là đồ gốm, đồ ngọc trên đất Việt Nam không thể so với vùng Giang Nam nhưng vì sao đồ đồng, nhất là trống Đông Sơn lại vượt trội về phẩm chất?”

Phải chăng có thể giải thích là, trên đất Việt, nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông, từ xa xưa vẫn trầm tích nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào. Nhưng do điều kiện vật chất hạn chế nên chưa thể thăng hoa. Đến khi đồng bằng sông Hồng được khai phá, nền sản xuất lớn hình thành, lương thực dư thừa, con người tập trung đông đúc. Điều kiện vật chất mới kết hợp với tài tổ chức và kinh nghiệm của những người phương Bắc trở về đã tạo nên nơi đây sức mạnh vượt trội, đủ sức sáng tạo nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Với việc thành lập nước Âu Lạc, An Dương Vương đưa nước ta lên trình độ phát triển mới. Sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Đà tiếp nối truyền thống xưa của Văn Lang, hứa hẹn xây dựng giang sơn “ngang với Trung Quốc”.

Cuộc xâm lăng của nhà Hán chấm dứt tất cả, đẩy dân tộc ta vào vòng nô lệ, suy đồi suốt một thiên niên kỷ.

Nhiều điều đã khuất lập sau màn sương thời gian, nhưng ta biết chắc rằng, muộn nhất, từ năm 257 TCN, khi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Vũ Đế đã đem chữ Nho tới Việt Nam. Với cuộc xâm lăng của nhà Hán, cùng với chữ Nho, nhiều thành tựu văn hóa từ Trung Hoa được đưa xuống. Những Tứ Thư, Ngũ Kinh, thiên văn, địa lý, Âm Dương, Ngũ hành, khoa Tử vi, Phong thủy… được đem dạy cho trí thức Việt. Người Việt cũng học nghệ thuật trị quốc, quản lý xã hội từ Trung Hoa…Một cách hồn nhiên, lớp lớp trí thức Việt tin rằng người Trung Hoa mang văn minh tới khai hóa dân Việt.

Ngày nay, nhờ tri thức nhân loại xuất hiện đầu thế kỷ, chúng ta khám phá rằng, từ xa xưa, người Việt đi lên khai phá đất Trung Hoa và xây dựng tại đó nền văn hóa Việt nho rực rỡ. Trí thức Hoa Hạ thời Thương, Chu học tập trí thức đó rồi tổng kết thành kinh điển. Chính nhờ việc làm này mà sáng tạo văn hóa của tổ tiên phần nào được lưu giữ cho chúng ta hôm nay.

Tuy nhiên, do không phải là người trực tiếp sáng tạo văn hóa Việt nho mà chỉ được học qua sự cưỡng bức, chiếm đoạt nên việc truyền thụ không được đầy đủ. Vì lẽ đó người Hoa Hạ không hiểu một cách căn bản vốn tri thức này. Kết quả là người Trung Hoa đã không thấu hiểu ý nghĩa, vai trò, sự vận hành của Âm Dương, Ngũ hành, Thiên can, Địa chi, Lục thập hoa giáp… dẫn tới những khiếm khuyết trong hiểu biết về Kinh Dịch, khoa Tử Vi, Phong thủy. Tương tự vậy, ngày nay người Trung Hoa cũng chỉ là những người mù sờ voi khi đọc cổ thư. Trong khi đó, do là nơi phát tích của con người và văn hóa Việt nho nên qua nhiều phương tiện và hình thức, con người và đất nước Việt Nam bảo lưu nhiều nhân tố của nền văn hóa Việt cổ. Để phục dựng nền văn hóa Việt cho tương lai, cần khám phá, khai thác những tầm tích văn hóa quý giá này. Nhưng đó là chuyện sẽ trình bày trong dịp khác.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét