Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

HẬU DUỆ "TRƯNG TRẮC, TRƯNG NHỊ" TẠI INDONESIA

HẬU DUỆ "TRƯNG TRẮC, TRƯNG NHỊ" TẠI INDONESIA

Nhiều đoạn phim quảng bá du lịch cho đảo Sumatra tuyên bố tổ tiên người Minangkabau là người Việt cổ xưa đã di cư đến Indonesia bằng thuyền (tộc người Minangkabau chiếm tới 80% trong tổng số 4,5 triệu dân hiện nay của tỉnh Tây Sumatra). Ngoài ra còn có tộc người Toraja trên đảo Sulawesi, tộc người Dayak trên đảo Borneo cũng được coi là có mối liên hệ với người Việt cổ, đã lưu lạc tới đây từ thời Hùng Vương.

* Tộc người MINANGKABAU trên đảo Sumatra:

Vào mùa Xuân năm 43, một số tướng lĩnh của Hai Bà Trưng cùng những người không chịu khuất phục giặc Hán phương Bắc, đã chạy về phương Nam và cuối năm đó họ giong thuyền ra biển. Những đợt gió mùa Đông Bắc đã đẩy thuyền của họ dạt vào eo biển Malacca. Tiếp đó, họ định cư tại khu vực phía Tây đảo Sumatra.

Tộc người này theo chế độ thị tộc mẫu hệ. Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là “Turun Cicik”, em gái của Turun Cicik nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là “Turun Nyi”. Hai danh xưng này gần gũi về mặt ngữ âm trong cách đọc “Trưng Trắc”, “Trưng Nhị” của người Việt (Có một nghi vấn từ bấy lâu về danh xưng "Trưng Trắc", "Trưng Nhị": trong họ tên của người Việt, không có họ "Trưng", vậy "Trưng" là gì? Rất có thể, từ khảo cứu trên đảo Sumatra, "Trưng Trắc", "Trưng Nhị" là cách định thứ bậc, đọc theo âm Việt cổ).
Người Minangkabau ngày nay theo đạo Hồi, nhưng tín ngưỡng nguyên bản của họ là thuyết vật linh (tin rằng vạn vật có linh hồn). Theo nhiều nhà nghiên cứu, thuyết vật linh cũng là tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ trước khi du nhập đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật.

* Tộc người TORAJA trên đảo Sulawesi:

Kiểu “nhà sàn hình thuyền” được khắc trên trống đồng Đông Sơn có mái cong lên như hai đầu mũi thuyền (ở hai đầu nhà có hai cột chống và ở giữa có kê thang để lên sàn) là một kiểu kiến trúc gây băn khoăn cho giới nghiên cứu. Bởi vì, rất kỳ lạ, các dữ liệu lịch sử về kiểu “nhà sàn hình thuyền” lẫn dữ liệu trên thực địa hầu như không còn tìm thấy tại Việt Nam.
Trong khi đó, nhà sàn của tộc người Minangkabau và nhất là kiểu nhà sàn của tộc người Toraja trên đảo Sulawesi giống hệt với những hình vẽ trên trống đồng Đông Sơn!
Theo một qui luật khá phổ biến, những di dân thường giữ lại một số đặc trưng văn hóa trong kiến trúc, tập tục nguyên bản của “cố hương”; trong khi đó tại nguyên quán do biến thiên thời gian hàng trăm năm, ngàn năm và do giao lưu văn hóa đã dẫn đến việc xáo trộn kiến trúc, tập tục, dẫn đến sự biến mất của một số kiến trúc, nghi thức.
Sự lạ mắt đầy cuốn hút của những “nhà sàn hình thuyền” tongkonan đã khiến cho vùng đất của tộc người Toraja trở thành một điểm đến kỳ thú đối với du khách quốc tế.

* Tộc người DAYAK trên đảo Borneo:

Theo giới nghiên cứu, tổ tiên của người Dayak đã di cư từ lục địa châu Á ra đảo từ hơn ba ngàn năm trước. Xã hội Dayak bắt đầu khởi sắc khi nghề luyện kim được truyền đến hòn đảo này cách nay khoảng 2.450 năm, tương ứng với thời kỳ Hùng Vương của nước Việt cổ.
Sự tôn thờ đặc biệt của người Dayak được dành cho hình tượng rồng và chim thần, bởi vì họ cho rằng đó là hai linh vật trong truyền thuyết về sự ra đời của tộc người Dayak! Đặc điểm này chẳng khác gì so với cư dân Việt thời Hùng Vương luôn coi mình là “con Rồng cháu Tiên” và tôn vinh chim Lạc như biểu tượng của đất nước.
Chim thần của người Dayak hao hao với hình chim Lạc trên trống đồng.

Trong cách ăn mặc của người Dayak hiện nay có một đặc điểm rất đáng chú ý: sử dụng mũ được kết bằng những chiếc lông chim dài, trông giống với những hình người trên hoa văn trống đồng Đông Sơn. Cách đội lông chim được vẽ trên trống đồng Đông Sơn, ở VN hiện nay không còn một sắc tộc nào sử dụng, trong khi ở Borneo tập tục sử dụng lông chim vẫn còn lưu hành.

Quá khứ thời Hùng Vương, thời Hai Bà Trưng quá xa xưa đến mức không còn mấy dấu vết tại Việt Nam. Thật kỳ thú, quá khứ ấy lại đang có mặt trong đời sống hiện nay của một số tộc người ở Indonesia (dẫn trên).

Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

MUÔN MẶT CUỘC ĐỜI

1. Có một sự thật đáng buồn là, người dưng lại dễ dàng mỉm cười chúc mừng bạn, còn tị nạnh đố kỵ lại đến từ những người tưởng như gần gũi thân thiết với bạn nhất.
2. Bạn không cần phải chú ý từng ly từng tí một, người thật lòng yêu bạn sẽ không đòi hỏi bạn phải hoàn hảo mọi lúc mọi nơi.
3. Rồi đến một ngày bạn sẽ nhận ra, bố mẹ là những người bạn dành ít thời gian, ít tâm sức cho họ nhất nhưng lại yêu thương bạn nhất trên đời.
4. Người ta chỉ nổi cáu giận hờn với những người đem lại cho họ cảm giác an toàn. Một cách vô thức họ biết rằng người đó sẽ không rời bỏ họ. Hờn dỗi vô cớ được nảy sinh từ sự tin tưởng.
5. Trên khuôn mặt người mà bạn ghét, đâu đó lại phảng phất hình bóng của chính bạn.
6. Nếu người ta thật lòng thích bạn thì lấy đâu ra lắm lý do làm tổn thương bạn thế? Nếu không cam tâm bỏ cuộc được, thì cứ ôm uất ức cho đến khi chán thì thôi.
7. Đừng than thở với gió, nó sẽ làm xáo động cả rừng cây.
8. Sở dĩ một người có thể vô lo vô nghĩ nhởn nhơ với đời, đó là nhờ công sức chở che của những người đứng đằng sau.
9. Người đã cùng bạn uống say thì không thể đưa bạn về nhà được. Người đến trước có duyên không phận, kẻ đến sau có phận không duyên. Chuyện đời lắt léo, chẳng thể cưỡng cầu.
10. Vì đời là ảo, còn ta là thật, chỉ duy nhất chính ta mới khiến ta gục ngã mà thôi!

BÀI NÓI CHUYỆN CỦA BÀ MERKEL VỀ TỰ DO

Tóm Lược Phát Biểu của Thủ Tướng Đức Merkel Tại Quốc Hội Mỹ (30/03/2016)

Năm 1957 tôi mới lên ba ở Brandenburg, Đông Đức. Cha tôi là mục sư Tin Lành, mẹ tôi từng học sư phạm môn tiếng Anh và tiếng Latinh, nhưng mẹ tôi không được phép đi dạy ở Đông Đức. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa từng mường tượng là sẽ có ngày bức tường Berlin sụp đổ, tôi chưa từng dám mơ là tôi lại có ngày đến Mỹ, chứ đừng nói đến chuyện có mặt tại Quốc Hội Mỹ như lúc này đây.

Miền đất hứa với cơ hội vô hạn cho mỗi người là giấc mơ không thể nào có đối với người thanh niên như tôi ở Đông Đức. Bức tường với hàng rào thép gai và lệnh bắn bỏ bất cứ ai làm chúng tôi tưởng như không bao giờ có thể tới được bến bờ của thế giới tự do. Tôi chỉ có cách hình dung nước Mỹ qua phim ảnh và qua những cuốn sách được xách tay nhập lậu về Đông Đức.

Tôi đã từng thấy gì, tôi đã từng đọc gì? Tôi đã từng tha thiết điều gì?

Tôi đã từng tha thiết về giấc mơ Mỹ – về cơ hội cho mọi người được thành công, cho mọi người tạo dựng được điều mong ước của đời mình bằng nỗ lực của bản thân. Tôi cũng như mọi thanh niên Đông Đức hồi ấy chỉ ước được chiếc quần jean Mỹ mà lúc đó không tài nào kiếm được ở Đông Đức, còn tôi thì được người nhà ở Tây Đức thỉnh thoảng gửi cho.

Tôi đã từng tha thiết về hình ảnh bao la của nước Mỹ nơi mà không khí để thở cũng dường như tràn ngập tinh thần độc lập và tinh thần tự do. Đối với tôi cho đến tận năm 1989 thì nước Mỹ vẫn chỉ là một giấc mơ thôi. Rồi bức tường Berlin sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989 và đó chính điều mà tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới nước Mỹ.

Tôi xin cảm ơn 16 triệu người Mỹ đã từng làm nhiệm vụ ở Đức trong mấy chục năm qua. Nếu không có sự hỗ trợ của họ, của những người lính, của những nhà ngoại giao và của tất cả những ai đã đóng góp thì đã không mang lại được kết quả như ngày hôm nay để Châu Âu không còn bị bức tường chia rẽ. Họ chính là những đại sứ của Mỹ tại đất nước chúng tôi, cũng như những người Mỹ gốc Đức cũng là những đại sứ của Đức tại nước Mỹ.

Tôi nhớ tới John F. Kennedy đã được những người dân Berlin đang tuyệt vọng vô cùng yêu quý bởi lời ông nói khi thăm Berlin năm 1963: “Ich bin ein Berliner.” (Tôi là một người Berlin.)

Ronald Reagan cũng đã nhìn thấy được bước chuyển của thời đại khi ông đứng trước cổng Brandenburg Gate năm 1987 kêu gọi: “Ông Gorbachev, hãy mở cổng này ra … Ông Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này đi.” Sẽ mãi mãi không quên lời kêu gọi đó. Tôi cũng mới gặp lại Mikhail Gorbachev tuần trước và chúng tôi cũng xin tri ân ông.

Nhân dân Đức chúng tôi vô cùng biết ơn các bạn Mỹ. Nhân danh quốc gia và nhân danh cá nhân, chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều đó. Ở nơi trước đây là bức tường tăm tối, cánh cửa bất ngờ mở ra và tất cả chúng tôi bước qua cánh cửa ấy. Tất cả mỗi người từ đó bắt đầu có cơ hội xây dựng một điều mới để mang lại sự thay đổi và là bước đầu tiên cho hành trình mới.

Bản thân tôi cũng có sự mở đầu mới mẻ. Tôi từ bỏ việc nghiên cứu vật lý tại Viện Hàn lâm khoa học ở Đông Đức và bắt đầu sự nghiệp chính trị. Cuối cùng tôi đã có dịp làm một điều gì mới, tôi hiểu rằng tôi đã có thể mang lại sự thay đổi và tôi có thể làm được điều gì đó.

Kể từ ngày chúng tôi được trao tặng món quà tự do vô giá đến nay đã hai mươi năm. Không có gì có thể thúc đẩy tôi mãnh liệt hơn, không có gì làm cho tôi tràn ngập cảm xúc tích cực hơn là sức mạnh của tự do, như lời của Bill Clinton tại Berlin năm 1994: “Không có gì ngăn được chúng ta. Tất cả đều có thể.”

Đúng như thế, tất cả đều có thể. Một người phụ nữ như tôi có thể đứng trước quý vị hôm nay, cũng như Arnold Vaatz là thành viên của phái đoàn Quốc hội Đức có mặt ở đây hôm nay cũng đã từng phải ngồi tù ở Đông Đức chỉ vì tội là người bất đồng chính kiến.

Ở thế kỷ 21 này, ở thời đại toàn cầu hóa này, tất cả mọi điều là có thể. Mặc dù phải công nhận toàn cầu hóa còn đầy trở ngại nhưng cả nước Đức và nước Mỹ đều thấu hiểu rằng nếu không toàn cầu hóa thì người ta sẽ đóng chặt cửa để chỉ biết mình và không biết tới ai cả rồi từ đó sẽ chỉ đưa đến bước cùng của sự cô lập và nỗi đau khổ. Phải suy nghĩ để tạo ra liên minh để làm việc cùng nhau, để cùng nhau tiến lên phía trước là cách duy nhất dẫn chúng ta đến tương lai tốt đẹp.

Nền tự do ở Berlin cũng như tiếng chuông tự do ở Philadelphia là những biểu tượng nhắc nhở chúng ta rằng tự do không tự dưng mà có. Tự do chỉ có thể giành được bằng đấu tranh và tự do phải được bảo vệ từng ngày trong đời sống của chúng ta!

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

HOA VIỆT ĐỒNG VĂN ĐỒNG CHỦNG 3

Việt Nam & Đông Nam Á
Đông Nam Á hiện nay nằm trong địa giới 10 quóc gia khối ASEAN nhưng Đông Nam Á tiền sử là vùng rộng lớn mà biên giới phía bắc tới sông Dương Tử, phía đông là Biển Đông, phía tây tới Assam (đông bắc Ấn Độ) và phía nam là các đảo Mã Lai, Indonesia, Singapore, Brunei… Đấy là vùng lãnh thổ bao quanh Biển Đông, có sự tương đồng về điều kiện thiên nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu.

Vào thời điểm 70.000-80.000 năm trước, trong kỷ Băng Hà, phần lớn nước từ các đại dương chuyển thành băng bao phủ lục địa. Mực nước biển thấp hơn hôm nay 130 mét. Thái Bình Dương là những vùng biển xen giữa lục địa Sundaland và Hainaland mênh mông. Giữa thời Băng Hà, một vùng đất có khí hậu khô, mát, rừng cây xanh tốt, nhiều muông thú, bờ biển nông nhiều cá tôm, sò ốc khiến cho Đông Nam Á được coi là địa đàng ở phương Đông. Tại đây một cộng đồng dân cư cùng nguồn cội ra đời, đã sáng tạo nền văn hóa nông nghiệp và ngư nghiệp phát triển. Là dải đất trải dài bên bờ Thái Bình Dương, tiếp nối phía bắc và phía nam khu vực nên về địa lý, Việt Nam là trung tâm của Đông Nam Á.

1. Dân cư cùng một nguồn gốc
Con người đầu tiên có mặt ở Đông Nam Á khoảng 1,9 triệu năm trước là người Đứng thẳng Java, chủ nhân của văn hóa Đá Cũ. Nhưng 250.000 năm cách nay, người Đứng thẳng rời khỏi nơi đây, khiến vùng đất này trở nên vắng chủ.

Khoảng 70.000 năm trước, người Homo sapiens từ châu Phi, theo ven biển Ấn Độ tới bán đảo Mã Lai rồi sang Indonesia. Một số nhóm người từ bở tây Borneo đi lên phía bắc, xâm nhập đồng bằng Sundaland và Hainanland, là thềm Biển Đông hôm nay. Tại đây, họ gặp gỡ, hòa huyết, cho ra bốn chủng người Việt cổ: Indonesian, Melanesian, Vedoid và Negritoid. Trong đó, người Indonesian (Lạc Việt) là đa số, giữ vai trò lãnh đạo cộng đồng về xã hội và ngôn ngữ.

Khoảng 50.000 năm trước, từ đồng bằng Hải Nam, người Việt cổ di cư ra các hải đảo Đông Nam Á: Mã Lai, Indonesia, tới tận châu Úc, Newzealand… Tại những vị trí tốt nhất trên các hải đảo này đã có người sinh sống. Đó là nhữn người ở lại trong đoàn di cư từ châu Phi tới đây, đã trở thành dân bản địa. Người mới tới hòa huyết với người tại chỗ, tạo nên dân cư các đảo. Máu huyết, tiếng nói cùng các yếu tố văn hóa khác của người Việt cổ được hòa với người bản địa, tạo nên dân cư và văn hóa của toàn vùng. Cũng lúc này, người Việt di cư sang phía tây chiến lĩnh đất Myanmar và Ấn Độ.

Tuy nhiên, đây không phải lần thiên di duy nhất mà sự di cư diễn ra nhiều đợt, trong những thời kỳ khác nhau. Ban đầu, từ Việt Nam, người di cư mang theo công cụ đá cũ cùng tiếng nói được hình thành trên đất Việt. Khoảng 20.000 năm trước, khi công cụ đá mới Hòa Bình được sáng tạo, cùng với cây khoai sọ và rau đậu được thuần hóa, người di cư mang theo dụng cụ đá mới cùng với cây trồng. Tiếp đó, cây kê, cây lúa, con gà, con chó được người di cư mang theo ra các đảo. Thời kỳ đầu, còn là đất liền nên giao thông thuận tiện. Khoảng 15.000 năm trước, do biển dâng bằng mực nước ngày nay, giữa đất liền và các đảo có sự ngăn cách, việc đi lại khó khăn hơn. Tuy nhiên, với việc sáng tạo thuyền bè, giao thông trong khu vực không ngừng diễn ra.

Từ sau 2700 năm TCN, người Mongoloid phương Nam từ Trung Quốc di cư xuống, hòa huyết với người Australoid bản địa, sinh ra người Mongoloid phương Nam Đông Nam Á. Khoảng 2000 năm TCN, hầu hết dân cư Đông Nam Á trở thành Mongoloid phương Nam như hiện nay.

Do điều kiện lịch sử cụ thể nên trong hai chủng người đa số ở Đông Nam Á thì người Indonesian chủ yếu sinh sống trên Đông Nam Á lục địa còn phần lớn người Melanesian sống ở phía nam Việt Nam và các hải đảo. Do trong máu người Indonesian, tỉ lệ gen Mongoloid cao nên khi hòa huyết với người Mongoloid phương Nam di cư tới, đã chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam điển hình. Trong khi đó, vì lượng máu Mongoloid của người Melanesian thấp nên khi hòa huyết với người di cư, họ trở thành nhóm Indonesian hiện đại của chủng Mongoloid phương Nam. Đó là các tộc Chăm, Bana, Êđê, S’tiêng… ở miền Trung và Tây nguyên Việt Nam và các sắc dân hải đảo Đông Nam Á.

2. Sự tương đồng văn hóa
Nếu châu Phi là cái nôi của nhân loại thì Việt Nam là vườn trẻ của phần lớn loài người, Con người từ châu Phi tới đây, gặp gỡ, sinh sôi rồi tràn ra khắp châu Á và thế giới. Trong cuộc thiên di này, họ mang theo những yếu tố văn hóa được hình thành từ Việt Nam.

a. Về tiếng nói:
Người từ châu Phi tới gồm nhiều sắc tộc khác nhau nên có những tiếng nói khác nhau. Trong quá trình 30.000 đến 40.000 năm chung sống trên đất Việt, cùng với việc hòa huyết thì họ cũng hòa chung tiếng nói. Do người Indonesian đa số nên tiếng Indonesian (Lạc Việt) trở thành ngôn ngữ nền của cộng đồng. Các sắc dân giao tiếp với nhau qua ngôn ngữ nền này. Đồng thời, nhiều từ Lạc Việt được tiếp thu vào tiếng nói của mỗi sắc tộc. Khi di cư, họ mang theo tiếng nói tới nơi ở mới. Tiếng Việt trở thành tiếng nói của người Trung Hoa cũng như ngôn ngữ các sắc dân hải đảo Đông Nam Á. Nhiều nghiên cứu xác nhận điều này, như công trình Nguồn gốc Mã Lai của người Việt Nam của Bình Nguyên Lộc, Địa đàng ở phương Đông của Stephen Oppenheimer… Ngày nay người Tây Nguyên Việt Nam vẫn dễ dàng hiểu tiếng nói dân hải đảo Đông Nam Á.

b. Về văn hóa:
Khảo cổ học cũng như văn hóa học cho thấy nhiều dấu hiệu tương đồng mang tính cùng nguồn giữa mái nhà của người Tây Nguyên Việt Nam với các sắc dân Indonesia, Mã Lai và cũng giống hình căn nhà trên trống Đông Sơn, hay mái nhà của người Hà Mẫu Độ 9000 năm trước.
- Tục ăn trầu, xăm mình, một số hình thức mai tang…
- Nhiều đồ dùng trong sản xuất, sinh hoạt giống nhau, trong đó đặc biệt là ống xì đồng được dùng phổ biến
- Nhiều huyền thoại chung cho khu vực, trong đó có huyền thoại về cây kê cuối cùng sau đại hồng thủy
- Nhiều dụng cụ đá và đồ đồng, trong đó có trống đồng được sử dụng rộng rãi từ nam Dương Tử qua Lào, Thái Lan tới cộng đồng Karen ở Myanmar và các đảo Đông Nam Á.

3. Sự tương đồng lịch sử
Do cùng cội nguồn sinh học và văn hóa, lại sống trong một môi trường chung, các dân tộc Đông Nam Á trong thời gian dài có chung lịch sử. Có thể là, vào hai thiên niên kỷ trước Công Nguyên, Đông Nam Á là một cộng đồng thống nhất, cùng chủng tộc, ngôn ngữ và văn hóa, dưới sự lãnh đạo về tinh thần của người Lạc Việt mà khu vực miền Trung và trung du miền Bắc Việt Nam của các vua Hùng là trung tâm. Rất có thể, trống đồng tìm thấy ở các hải đảo Đông Nam Á là một thứ quyền trượng mà các vua Hùng trao cho các thủ lĩnh khu vực?

Vào ba thế kỷ trước Công nguyên, triều đại Hùng Vương bị diệt vong rồi Việt Nam bị xâm lăng, phần phía bác Đông Nam Á bị sát nhập Trung Hoa. Phía nam từ Quảng Trị trở vào tới các hải đảo Đông Nam Á, do mất liên lạc với trung tâm Việt Nam, các thủ lĩnh khu vực lập các quốc gia riêng và do gần gũi về địa lý, đã hướng theo văn hóa Ấn Độ.

Ở thời cận đại, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trở thành thuộc địa của các đế quốc phương Tây. Do phụ thuộc về chính trị, kinh tế và văn hóa vào “mẫu quốc”, các quốc gia Đông Nam Á có sự phân ly. Trong khi đa số người Indonesia theo Hồi giáo thì dân Philippines nói tiếng Anh và theo Công giáo… Sự liên hệ cả về kinh tế lẫn văn hóa giữa các nước rất hạn chế, đến mức được xem là dị chủng dị văn. Các vương triều Việt Nam, học theo thói xấu phân biệt sắc tộc của hoàng đế Trung Hoa, coi khối các dân tộc ngoài Việt là man, di.

3. Trở về nguồn cội
Từ thập niên cuối của thế kỷ trước, điều kiện mới đã đưa các quốc gia Đông Nam Á gắn bó với nhau trong cộng đồng ASEAN hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Sang thập niên thứ hai kỷ nguyên mới, châu Á mà Đông Nam Á là trung tâm, đang trở thành động lực phát triển của thế giới. Vì vậy Đông Nam Á có vai trò nổi bật. Tuy nhiên, thế giới cũng như Đông Nam Á mới nhìn ASEAN như một liên kết đại lý, kinh tế chứ chưa thấy một Đông Nam Á có cội nguồn nhân chủng và văn hóa chung.

Thế giới hiện đại đang khủng hoảng toàn diện mà trung tâm khủng hoảng về văn hóa. Văn hóa, theo quan niệm hiện thời chưa chỉ ra con đường đi tới của nhân loại. Khẳng định cộng sản chủ nghĩa là con đường sai lầm nhưng tư bản với thị trường tự do cũng nhiều chông gai và tiềm ẩn những tai họa khôn lường. Những tác giả tiên phong của nền tư tưởng phương Đông cho thấy, từ minh triết phương Đông sẽ tìm ra phương cách cứu nhân loại. Đó là vấn đề lớn, cần nhiều nghiên cứu chuyên sau. Nhưng rõ rang, có một sự thực: theo quy luật biến thiên của văn hóa, chính tại Việt Nam nhiều yếu tố văn hóa Việt cổ bị mai một. Trong khi ở ngoại biên, chúng vẫn được bảo tồn. Bằng chứng là nhiều yếu tố văn hóa Việt cổ được gìn giữ trong các bộ lạc Tây Nguyên, trong rừng Indonesia hay trong đồng bào thiểu số Quảng Tây… Việt Nam có thể từ đây tìm lại văn hóa cội nguồn của mình. Tuy nhiên cũng có quy luật vững chắc là: dù có những yếu tố văn hóa Việt cổ bị mai một nhưng là trung tâm văn hóa phương Đông, Việt Nam vẫn lưu giữ được những nhân tố cơ bản, đậm nét của bản sắc văn hóa phương Đông.

Là nơi phát tích của con người và văn hóa Đông Nam Á, trong kỷ nguyên mới, Việt Nam có thể lãnh đạo Đông Nam Á không? Có và không! Nếu biết nhận ra vai trò của mình, chủ động tìm lại cội nguồn và văn hóa chung của khu vực rồi trên cơ sở sáng tạo phương sách đoàn kết, dẫn dắt khối Đông Nam Á, Việt Nam sẽ lập lại vị trí xứng đáng của mình trong gia đình Đông Nam Á.

Sơ đồ: Hành trình của Homo Sapiens (người khôn ngoan) từ châu Phi tới các vùng trên thế giới
* Khoảng 60 đến 70.000 năm trước: Sau khi từ Ðông Phi thiên di tới Trung Ðông, người Homo Sapiens rời Trung Ðông vượt qua Pakistan, Ấn Ðộ rồi theo bờ biển Nam Á đặt chân đến miền Trung và miền Bắc Việt Nam.
* Trong khoảng 10.000 năm dừng chân tại đây, hai đại chủng người tiền sử là Mongoloid và Australoid đã hòa huyết tạo thành hai nhóm loại hình Indonesien và Melanesien cùng một số loại hình chuyển tiếp giữa chúng đồng thời mở rộng địa bàn cư trú ra khắp lục địa Ðông Nam Á .
* 50.000 năm trước, một số nhóm người di chuyển xuống châu Ðại Dương thành thổ dân Úc hiện nay.
* 40.000 năm trước, một số nhóm di cư đến New Guinea.
* Khoảng 30.000 năm trước người từ lục địa đã tới khắp các đảo lớn ngoài khơi Ðông Nam Á.
* Khoảng 40.000 năm trước, khi băng hà tan, một nhóm người Mongoloid sống biệt lập tại phía Tây Bắc Ðông Nam Á, không có sự hòa huyết với người Australoid, di cư lên phía Bắc theo con đường qua đất Ba đất Thục lên sống ở miền Tây Bắc Trung Quốc thành chủng Mongoloid phương Bắc.

Cùng thời gian đó, nhiều nhóm người Indonesien, Melanesien di chuyển lên phía Bắc theo con đường duyên hải. Dần dần họ lan tỏa ra khắp lục địa Trung Hoa và một bộ phận lên tới Siberia rồi vượt eo Bering sang châu Mỹ.

HOA VIỆT ĐỒNG VĂN, ĐỒNG CHỦNG 2

Xin hãy trả lời tôi: trong bối cảnh phức hợp lịch sử-văn hóa đó, thì “thoát Trung” là thoát cái gì? Làm sao mà “thoát Trung” khi đồng văn đồng chủng? Chối bỏ học thuyết Khổng Tử trong văn hóa, tâm linh cũng vô nghĩa như chối bỏ dòng máu Mông Cổ trong huyết quản vậy! Càng hoang đường hơn khi có người kêu gào “thoát Á để phát triển!” Làm sao mà “thoát Á” khi Việt Nam là trung tâm sản sinh con người cùng văn hóa châu Á?! Một ý tưởng hư vô tại hại, dẫn người ta lạc lối!

Do suy nghĩ như vậy, tôi cho rằng, không nên làm những việc không thể làm! Không cần phải “thoát” Trung mà chúng ta cần hiểu chân thực về Trung Quốc, về bản thân mình để đương đầu với vận mệnh mà lịch sử đã sắp đặt!
Tổ tiên chúng ta từng di chúc: “Yêu nhau rào dậu cho chắc!” Cách ứng xử này không chỉ với hàng xóm mà cả với lân bang. Một đất nước dân chủ, người dân được tự do, gắn bó máu thịt với chính quyền thực sự của mình. Một quân đội hùng mạnh đủ để giữ gìn đất nước. Một biên giới vững vàng như thành đồng vách sắt. Một thể chế chính trị tự chủ. Một nền kinh tế độc lập. Một quan hệ thân thiện, bình đẳng với các quốc gia láng giềng… Thực hiện lời dạy của Khổng Tử: “Người quân tử sống hòa mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục.” Làm được như vậy, không cần phải “thoát” cái gì cả, chúng ta sẽ sống vững vàng với người anh em đồng văn đồng chủng, núi liền núi, sông liền sông.

Không còn nghi ngờ gì nữa, toàn bộ chứng cứ từ cuốn sách này cho thấy, Việt Nam là nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông. Tuy nhiên, từ cuốn sách cũng toát lên sự thật không thể phản bác: Văn minh Việt Nam thua kém văn minh Trung Hoa. Điều này không chỉ thể hiện từ sau cuộc xâm lăng của nhà Hán mà còn từ xa xưa, khoảng 6000-7000 năm trước, khi so sánh các di chỉ khảo cổ Việt Nam với những nền văn hóa khảo cổ trên đất Trung Hoa. Không thể không thừa nhận, công cụ đồ đá mới Hòa Bình, Bắc Sơn xuất hiện sớm hơn, phong phú và tinh xảo hơn so với Trung Hoa. Nhưng cũng không thể không thừa nhận, tại Việt Nam không có di chỉ văn hóa đá mới nào có thể sánh ngang với những Giả Hồ, Ngưỡng Thiều, Long Sơn, Hà Mẫu Độ, Lương Chử... Việt Nam không có loại gốm tinh xảo như "gốm vỏ trứng" Long Sơn. Đồ ngọc Việt Nam không nhiều mà cũng không đẹp bằng ngọc Hồng Sơn hay Lương Chử...

Có thể ký tự tượng hình xuất hiện sớm nhất trên bãi đá Sapa nhưng chữ tượng hình chỉ thực sự ra đời trên lưu vực Dương Tử: Giả Hồ, Lương Chử, Cảm Tang rồi Ân Khư... Chữ vuông tượng hình do chính người Việt sáng tạo nhưng rồi lại hoàn toàn thuộc về người Hoa mà người Việt Nam phải học nhờ với lòng tin như đinh đóng cột rằng đó là chữ của người Trung Quốc!

Nghịch lý này tôi dần phát hiện trong quá trình khảo cứu sâu về lịch sử, văn hóa phương Đông. Nhưng lý giải nguyên do của nó không đơn giản. Sự thể có lẽ như sau:

Trước 5000 năm cách nay, đồng bằng sông Hồng cũng như đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh chưa hình thành. Việt Nam và Đông Dương là địa hình rừng núi chia cắt. Môi sinh như vậy khiến con người buộc phải sống phân tán theo nguồn nước và những rẻo đất hẹp. Sau thời gian dài trồng khoai sọ, bầu bí, rau đậu... người Việt thuần hóa được cây kê và lúa. Nhưng đất trồng lúa quá ít, không cho phép tạo ra nền nông nghiệp lớn. Một khi không có nền nông nghiệp lớn thì không thể tập trung nhân tài vật lực để có thể làm những việc lớn.

Lớp lớp người Việt di cư lên phía Bắc, đã mang theo công cụ đá mài, vật nuôi cùng kinh nghiệm nông nghiệp của quê nhà. Tại lưu vực Dương Tử, đất rộng, phì nhiêu nên có thể tiến hành sản xuất lớn. Lương thực dư thừa khiến con người quần tụ đông đảo. Từ đó việc phân công lao động nảy sinh. Lớp thợ thủ công chuyên nghiệp ra đời, ngày thêm lành nghề. Khi có một bộ phận người không phải lo kiếm miếng ăn hàng ngày, họ có thể dành thời gian "vẽ" chữ, mô phỏng hình dáng đồ vật. Chữ "nhật", chữ "nguyệt", chữ "âm", chữ "dương", chữ "mục", chữ "nhĩ"... ra đời. Lại có người nhớ tới bài học về trời, mây, trăng sao mang đi từ quê nhà, nay ngắm sao Bắc Đẩu để khám phá thiên văn, nhìn thế đất để hoạch định địa lý. Theo năm tháng, một nền văn hóa tinh thần phong phú xuất hiện.

Cũng phải kể đến sự kiện là, người Việt sống ở nam Hoàng Hà luôn tiếp xúc với người du mục trên đồng cỏ bờ Bắc. Khi hai nền văn minh đối kháng gặp nhau, tất nảy sinh sự đối đầu mãnh liệt. Dân nông nghiệp vốn sống ưa tĩnh, hiền lành cố nhiên bị choáng váng trước những đòn tấn công dũng mãnh của kẻ xâm nhập tàn bạo. Nhưng sau nhiều nếm trải bằng máu và nước mắt, người Việt học được từ kẻ thù lối tư duy phân tích, tính quyết đoán nhanh nhạy cùng cách thức tổ chức phòng thủ bảo vệ xóm làng. Và cố nhiên, cũng học được nhiều điều từ văn minh phương Tây do người du mục đem tới. Qua hàng nghìn năm sống bên kẻ thù khó chơi, buộc người Việt phải khôn ngoan hơn, cứng rắn hơn. Sự khôn ngoan của Nam Hoàng Hà được truyền xuống lưu vực Dương Tử.

Cuộc xâm lăng của Hiên Viên năm 2698 TCN là bước ngoặt lớn của lịch sử phương Đông. Với nhà nước Hoàng Đế xuất hiện và người Hoa Hạ ra đời, lịch sử và văn hóa phương Đông được đẩy nhanh không chỉ vận tốc mà cả chất lượng. Do tiếp thu hai dòng máu và hai nền văn minh, người Hoa Hạ sáng tạo thời kỳ Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông. Chữ tượng hình của người Việt được đưa lên Hà Nam nhưng cả nghìn năm vẫn là phù tự để ghi chép những bùa chú, bài cúng tế, bói toán. Chỉ khi vua Bàn Canh nhà Thương chiếm Hà Nam, dựng đô ở Ân Khư, chữ giáp cốt mới có sự phát triển vượt bậc cả về khối lượng và phẩm chất. Đến đời Chu, những trí thức vô danh đã tổng kết nền văn hóa Việt nho thành Tam phần, Ngũ điển ghi trên sách đồng và thẻ tre. Rồi Khổng Tử điển chế thành Ngũ Kinh. Phản ánh trung thực công việc của mình, Ngài nói: “Ta chỉ là người thuật lại mà không trước tác”. Với sức mạnh của chính quyền quân chủ chuyên chế, nhà Tần đã chuẩn hóa chữ viết. Tiếp đó, trí thức thời Hán, Đường, Tống khảo cứu Dịch, khôi phục Tử vi, Phong thủy… làm cho văn hóa phi vật thể Trung Hoa có diện mạo như hôm nay. Có thể nói một cách hình tượng: văn hóa phương Đông như một cây đại thụ sum suê cành lá cùng hoa trái thì đất Việt Nam như cái gốc sinh ra mọi thứ nhưng hoa trái lại nở trên phần ngọn là Trung Hoa.

Trong khi phương Bắc là cuộc cạnh tranh sống mái năng động và quyết liệt thì tại phương Nam, cuộc sống vẫn thanh bình trong nhịp đi chậm chạp, ngày càng lạc hậu so với đồng bào của mình ở phương Bắc.
Khoảng 4500 năm trước, do cuộc xâm lăng của người Mông Cổ, người Việt từ Núi Thái, Sông Nguồn di cư về Việt Nam. Lúc này đồng bằng sông Hồng đã được bồi tụ. Vốn từng trải qua cuộc đấu tranh cam go và tích lũy nhiều kinh nghiệm tổ chức xã hội, người di cư đoàn kết, lãnh đạo dân bản địa, mở cuộc khai thác vùng đất mới, làm nên văn hóa Phùng Nguyên và tiến tới văn hóa Đông Sơn…

Tới đây, một câu hỏi nảy sinh: “Đúng là đồ gốm, đồ ngọc trên đất Việt Nam không thể so với vùng Giang Nam nhưng vì sao đồ đồng, nhất là trống Đông Sơn lại vượt trội về phẩm chất?”

Phải chăng có thể giải thích là, trên đất Việt, nơi phát tích của con người và văn hóa phương Đông, từ xa xưa vẫn trầm tích nguồn năng lượng sáng tạo dồi dào. Nhưng do điều kiện vật chất hạn chế nên chưa thể thăng hoa. Đến khi đồng bằng sông Hồng được khai phá, nền sản xuất lớn hình thành, lương thực dư thừa, con người tập trung đông đúc. Điều kiện vật chất mới kết hợp với tài tổ chức và kinh nghiệm của những người phương Bắc trở về đã tạo nên nơi đây sức mạnh vượt trội, đủ sức sáng tạo nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ.

Với việc thành lập nước Âu Lạc, An Dương Vương đưa nước ta lên trình độ phát triển mới. Sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Đà tiếp nối truyền thống xưa của Văn Lang, hứa hẹn xây dựng giang sơn “ngang với Trung Quốc”.

Cuộc xâm lăng của nhà Hán chấm dứt tất cả, đẩy dân tộc ta vào vòng nô lệ, suy đồi suốt một thiên niên kỷ.

Nhiều điều đã khuất lập sau màn sương thời gian, nhưng ta biết chắc rằng, muộn nhất, từ năm 257 TCN, khi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Vũ Đế đã đem chữ Nho tới Việt Nam. Với cuộc xâm lăng của nhà Hán, cùng với chữ Nho, nhiều thành tựu văn hóa từ Trung Hoa được đưa xuống. Những Tứ Thư, Ngũ Kinh, thiên văn, địa lý, Âm Dương, Ngũ hành, khoa Tử vi, Phong thủy… được đem dạy cho trí thức Việt. Người Việt cũng học nghệ thuật trị quốc, quản lý xã hội từ Trung Hoa…Một cách hồn nhiên, lớp lớp trí thức Việt tin rằng người Trung Hoa mang văn minh tới khai hóa dân Việt.

Ngày nay, nhờ tri thức nhân loại xuất hiện đầu thế kỷ, chúng ta khám phá rằng, từ xa xưa, người Việt đi lên khai phá đất Trung Hoa và xây dựng tại đó nền văn hóa Việt nho rực rỡ. Trí thức Hoa Hạ thời Thương, Chu học tập trí thức đó rồi tổng kết thành kinh điển. Chính nhờ việc làm này mà sáng tạo văn hóa của tổ tiên phần nào được lưu giữ cho chúng ta hôm nay.

Tuy nhiên, do không phải là người trực tiếp sáng tạo văn hóa Việt nho mà chỉ được học qua sự cưỡng bức, chiếm đoạt nên việc truyền thụ không được đầy đủ. Vì lẽ đó người Hoa Hạ không hiểu một cách căn bản vốn tri thức này. Kết quả là người Trung Hoa đã không thấu hiểu ý nghĩa, vai trò, sự vận hành của Âm Dương, Ngũ hành, Thiên can, Địa chi, Lục thập hoa giáp… dẫn tới những khiếm khuyết trong hiểu biết về Kinh Dịch, khoa Tử Vi, Phong thủy. Tương tự vậy, ngày nay người Trung Hoa cũng chỉ là những người mù sờ voi khi đọc cổ thư. Trong khi đó, do là nơi phát tích của con người và văn hóa Việt nho nên qua nhiều phương tiện và hình thức, con người và đất nước Việt Nam bảo lưu nhiều nhân tố của nền văn hóa Việt cổ. Để phục dựng nền văn hóa Việt cho tương lai, cần khám phá, khai thác những tầm tích văn hóa quý giá này. Nhưng đó là chuyện sẽ trình bày trong dịp khác.
(Còn nữa)

HOA VIỆT ĐỒNG VĂN, ĐỒNG CHỦNG 1


Từ rất xa xưa, người Việt cổ đi lên khai phá đất Trung Hoa. 4000 năm TCN, tổ tiên ta xây dựng trên lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử nền văn minh lúa nước rực rỡ nhất thế giới. Năm 2698 TCN, người du mục Mông Cổ đánh chiếm vùng cao nguyên Hoàng Thổ ở trung du Hoàng Hà, lập vương triều Hoàng Đế. Thắng trận nhưng do văn hóa chưa phát triển và nhân số ít, người Mông Cổ bị người Việt đồng hóa. Lớp con lai Mông-Việt ra đời, được gọi là Hoa Hạ, mang dòng máu Việt, bú sữa Mẹ Việt, học tiếng nói, cách trồng kê, trồng lúa cùng phong tục tập quán Việt. Sau bốn đời, vua Đế Khốc đã là người Việt với nước da đen và được đặt tên theo tên của loài chim Cốc. Được thụ hưởng hai dòng máu và hai văn hóa, người Hoa Hạ có phẩm chất vượt trội, trở thành tầng lớp ưu tú lãnh đạo cộng đồng Việt, sáng tạo thời Hoàng Kim trong lịch sử phương Đông từ Nghiêu, Thuấn tới Hạ, Thương, Chu. Nhận được tư liệu lịch sử từ triều Thương, Chu, thiên tài Khổng Tử đã đúc kết tinh hoa của văn minh tổ tiên Việt trong những bộ kinh điển kỳ vĩ…

Suốt 2000 năm, do sự khuất lấp của lịch sử, chúng ta không biết rằng, chẳng những kinh điển ấy do tổ tiên ta sáng tạo mà chữ vuông tượng hình cũng do người Việt làm ra. Càng không ngờ rằng, trong khi các giáo sư danh tiếng dạy “tiếng Việt mượn 70% từ ngôn ngữ Hán” thì trên thực tế, “tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa!” Chả có gì khó hiểu nếu ta biết rằng, người Hán chiếm 93% dân cư Trung Hoa, chính là người Việt. Cái nhóm người được gọi là Hoa Hạ chỉ tồn tại ngắn ngủi để rồi hòa tan trong khối dân Việt khồng lồ. Lưu Bang, Cao tổ nhà Hán chính là người Việt được sinh ra ở đồng bằng Trong Nguồn của nước Ư Việt cổ, nơi có con sông Nguồn. Về sau, con cháu không phát âm được vần “ng” nên nói trại Nguồn thành Hon, Hòn, Hớn. Do Lưu Bang quê bên sông Hòn nên Hạng Vũ phong ông là vua Hòn, sau chuyển thành Hán vương. Nước Hán cùng tộc Hán ra đời như vậy! Là người Việt 100%, hoàn toàn không dính dáng gì tới máu huyết Hoàng Đế nhưng Lưu Bang và đồng bào của ông vẫn tự nhận là Hoa Hạ! Máu Hoa Hạ biến mất nhưng danh xưng Hoa Hạ thì còn và bị các vương triều Trung Hoa tiếm dụng!

Đấy là Trung Quốc! Còn người Việt?

Cũng vào cái năm 2698 định mệnh ấy, trong khi đại bộ phận người Việt vùng Núi Thái Sông Nguồn ở lại quê hương thì một bộ phận theo Lạc Long Quân vượt Hoàng Hà ra biển, đổ bộ vào Rào Rum, Ngàn Hống xứ Nghệ. Tại đây vua Hùng lập nước. Đó là cuộc đổi quốc hiệu Xích Quỷ ra đời năm 2879 TCN thành Văn Lang và dời đô từ Ngũ Lĩnh tới Việt Trì. Người Mongoloid trong đoàn di tản hòa huyết với người Austrtaloid bản địa, sinh ra người Mongoloid phương Nam văn hóa Phùng Nguyên, là tổ tiên chúng ta hiện nay.

Vậy là người Trung Hoa cùng với chúng ta một dòng máu. Không chỉ thế, còn chung tiếng nói, chữ viết và những thành tựu văn hóa vĩ đại khác. Do nhận chân điều này nên cha ông chúng ta từ xa xưa ghi nhớ: Việt Hoa đồng văn đồng chủng.

Có một điều khác: trước đây chúng ta được dạy rằng người Trung Hoa đồng hóa dân Việt về máu huyết lẫn văn hóa. Nay thì khám phá sự thật ngược lại: người Trung Hoa là con cháu của người Việt, được thừa hưởng từ tổ tiên Việt không chỉ dòng máu, tiếng nói, chữ viết mà cả nền văn hóa rực rỡ. Mọi thành tựu văn hóa được tạo dựng trên đất Trung Hoa đều bắt nguồn từ văn hóa Việt!

Một câu hỏi nảy sinh: Vậy “thoát Trung” là thoát ở chỗ nào? Sự thực, cho tới nay chưa có ai phân định được chuyện này. Khổng Tử dạy học trò: “Người phương Nam khác ta là họ trồng lúa nước, ăn gạo, còn ta ăn kê mạch.” Cái khác này nếu có cũng chỉ là về phương thức sinh hoạt, không mang tính bản chất. Nhưng thực ra điều này không đúng: cả kê, cả lúa đều do người Việt đưa lên. Nhưng vì cao nguyên Hoàng Thổ khí hậu khô không hợp với lúa nước nên cây kê thành cây trồng chính của dân cư văn hóa Ngưỡng Thiều cho tới thời Khổng Tử. Có lẽ, cái khác biệt Nam-Bắc thực sự là nhận định của Khổng Tử trong sách Trung Dung:

Tử Lộ* hỏi về sức mạnh, Khổng Tử nói:
“Là cái cương cường của người phương nam ư? Hay là nói cái cương cường của người phương bắc? Hay là nói cái cương cường (theo kiểu) của riêng ngươi? Dạy bảo người ta một cách khoan dung dịu dàng, không trả thù kẻ vô đạo đó là cái cương cường của người phương nam, người quân tử giữ sự cương cường đó. Còn ngày đêm bạn cùng giáp bền gươm sắc, dẫu chết cũng không ngán, đó là cái cương cường của người phương bắc, những kẻ thượng võ hiếu đấu thì giữ sự cương cường này! Người quân tử sống hòa mục với mọi người, nhưng không buông trôi theo thói tục, đấy mới là sự cương cường chân chính.”*) Chính ở đây, Khổng Tử chỉ rõ cái khác nhau giữa phương Nam và phương Bắc, những phẩm tính được hình thành trong lịch sử.

Sự hòa hợp văn hóa Việt Mông đã tạo nên thời Hoàng Kim Nghiêu, Thuấn. Đến cuối triều nhà Hạ, yếu tố du mục trỗi lên trong dòng máu Hoa Hạ, sinh ra vua Trụ tàn bạo, dẫn tới cuộc chiến khốc liệt lập nhà Thương. Rồi như sự tất yếu, nhà Thương lặp lại sai lầm của nhà Hạ, dẫn tới cuộc chiến tranh lập nên nhà Chu. Suốt thời gian này, người du mục xâm nhập, góp phần chuyển hóa văn hóa Hoa Hạ, đem tới sự thắng thế của tinh thần du mục, điều mà tác giả Khương Nhung thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết Totem Sói. Dòng máu sói dẫn tới những cuộc chiến tranh tàn khốc thời Chiến Quốc. Không hề dừng lại, nó tiếp tục chảy trong huyết quản các hoàng đế Trung Hoa từ Tần, Hán tới Tống, Nguyên, Thanh và được tăng cường dưới ngọn cờ chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mao hôm nay! Kho tàng minh triết Việt được kết tinh trong những kinh thư của Khổng Tử bị giới trí thức xu phụ vương quyền chuyển hóa thành Hán nho, Tống nho, Minh, Thanh nho phục vụ triều đình, đàn áp nhân dân, mở rộng xâm lăng chiếm đoạt, nô lệ các dân tộc khác trong khi lừa mị bằng uy danh Hoa Hạ cùng “sứ mệnh thiên tử” “khai hóa” các dân man di! Không chỉ người dân Trung Quốc lĩnh đủ cái cương cường hoang dã của dòng máu sói mà bên cạnh Trung Hoa, Việt Nam cũng nếm mùi cay đắng.

Tuy là người phương Nam, thấm nhuần tư tưởng “Khoan nhu dĩ giáo” nhưng không phải trong huyết quản chúng ta không có máu sói. Không thể kể hết những tội ác của vương triều Việt Nam gây ra với người dân trong nước cũng như đồng bào Khmer, đồng bào Chăm. Đó chính là “tội tổ tông” mà chúng ta mặc nhiên phải gánh chịu!
(...)

*) “Tử-Lộ vấn cường. Tử viết: “Nam phương chi cường dư? Bắc phương chi cường dư? Ức chi cường dư? Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, nam phương chi cường dã, quân tử cư chi. Nhậm kim cách, tử nhi bất yếm, bắc phương chi cường dã, nhi cường giả cư chi. Cố quân tử hoà nhi bất lưu: cường tai kiểu; trung lập nhi bất ỷ cường tai kiểu, quốc hữu đạo bất biến tắc yên, cường tai kiểu; quốc vô đạo chí tử bất biến, cường tai kiểu”! (Sách Trung Dung, Khổng Tử)
(Còn nữa)

Hình minh họa: Nước Xích Quỷ - vương quốc các nhóm tộc Việt Cổ của Bách Việt thời kỳ Kinh Dương Vương, từ 2879 TCN. Thời Hùng triều thứ ba khoảng 2524 TCN Hùng Quốc Vương đổi tên nước thành Văn Lang và dời đô từ Nghĩa Lĩnh về Phong Châu.


THƯ RIÊNG KIM JONG ỈN GỬI CON TRAI KIM JONG ỦN

Kim Jong Ủn mến yêu!

Cha đã gần tròn 70 tuổi, sức khoẻ ngày một kém so với trước đây. Cha thấy mệt mỏi và không đoán trước được sẽ còn sống thêm được bao lâu. Cha viết lá thư này và nhờ cô Kim Kyong Hui (em gái thân yêu, trung thành nhất của cha) trao tận tay con sau 3 ngày để tang. Bất kỳ khi nào dù còn ai để tin cậy hay không, con vẫn nên tin tưởng và nghe theo lời cô Kim.

Cha đang đi vào bế tắc khi muốn làm điều gì đó để có thêm thành tích chính trị, thành tích cầm quyền cho mình và đồng chí. Càng làm để đất nước “Cường thịnh Đại quốc” hơn thì cha càng thấy Triều Tiên ngày một tụt hậu, nghèo hèn. Càng muốn kinh tế độc lập, cha lại thấy kinh tế ngày càng khốn khó, cô lập… ngày một lệ thuộc dưới chiêu bài cứu trợ nhân đạo. Càng muốn ổn định chính trị, cải thiện đời sống nhân dân, cha lại càng bị coi là độc tài, gia đình trị, sùng bái cá nhân, hà khắc với chống đối. Càng muốn khẳng định uy tín đất nước, thích ứng với thời cuộc thì lại càng bị coi là côn đồ quốc tế, trục ma quỷ - tác nhân gây căng thẳng quốc tế. Họ gán ghép cha là đồng lõa với những người đồng đội đồng chí, bạn bè chí cốt như Mao Trạch Đông, Stalin, Polpot, Mubarak, Gaddafi, Bashar al-Assad… Cha không muốn thế. Cha muốn con& công chúng luôn nhìn thấy cha vẫn còn có ích và cha luôn có những tầm nhìn và suy nghĩ sáng suốt!


Cha nhận ra rằng đã đến thời điểm dìu dắt và chuyển giao cho con tiếp bước. Cha đã đi hết bể khổ mênh mông của đời người và những khó khăn của dân tộc Triều Tiên. Cha trân trọng trao lại cho con, người kế tục của gia đình vĩ đại, người đã được học hành, bôn ba ở nước ngoài, người con có hiếu của dòng tộc, đã trưởng thành để gánh vác sự nghiệp cha ông.

Từ tkỷ 20 đến tkỷ 21, dưới "ánh sáng quang vinh", “đỉnh cao vĩ đại” của Đảng Lao động Triều Tiên , của ông cha họ Kim “vĩ đại” – “dòng họ vĩ đại” của dân tộc, cha tin con sẽ xứng đáng với từ “vĩ đại” trong tâm trí người dân Triều Tiên.

Con hãy nhớ: “Nhất đại vi quan, vạn đại vi dân”. Chung quy mọi chuyện là ở con người, ở nhân dân và nhà lãnh đạo quyết định nên tất cả. Dòng dõi ta là vĩ đại nhưng trước công chúng, con còn phải gây dựng một hình ảnh vì dân, vì nước để tránh trời nổi can qua như ở khắp nơi trên địa cầu năm nay. Khẩu hiệu con đưa ra phải là “Nhân dân sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Ta là những bậc lãnh tụ mà quyền lực không thể tha hóa. Nhân dân đâu biết được “Có quyền chắc gì đã hạnh phúc”. Chúng ta đã phải hy sinh cái hạnh phúc bé nhỏ của chúng ta. Một tay ngoại bang có nói: “Hiển nhiên những người vĩ đại không nhất thiết phải tốt, hay ở mọi cấp độ lòng tốt của họ không cần tỷ lệ với sự vĩ đại của họ.” Ta vĩ đại, vậy chưa chắc chúng ta đã tốt, nhưng chúng ta không được thả cho nhân dân có quyền tự dẫn dắt mình. Chúng ta cần phải tuyên truyền một cách hết sức dân chủ và cách mạng nhất về sự nghiệp bách thắng của nhân dân Triều Tiên do chúng ta lãnh đạo. Chỉ như thế họ mới lý giải tốt hơn hành động của các lãnh tụ, không bất mãn một cách ấm ớ với chúng ta dù ta sống sướng hay khổ. Cần cho họ biết rằng chúng ta không có mặt nào là trọn vẹn. Không thể vì thế thóa mạ ta – những con người làm gì cũng kiên định theo lý tưởng vì sự nghiệp lâu dài của nhân dân và sự nghiệp đó đầy tính nhân văn, biết thân biết phận của từng người, yêu quý dân và yêu quý nhau. Hãy hạn chế nói về sự cởi mở tinh thần và sự hợp nhất trong tình yêu. Hãy tăng cường nói về trật tự và ổn định của xã hội trong sự tuân thủ mệnh lệnh.

Năm 1980, ngay từ lúc trở thành người Lãnh tụ kính yêu, cha đã cho bắt cóc gia đình đạo diễn Shin Sang-ok từ Hàn Quốc để làm phim ca ngợi rộng rãi về chế độ ưu việt của ta. Tiếc rằng, bây giờ, kỹ xảo Hollywood không còn hiệu quả tuyên truyền, tác động như nguồn cội sự thật đối với dân chúng. Con hãy gia tăng các sự kiện lễ hội thể dục đồng diễn và duyệt binh để có thêm món ăn tinh thần hàng tháng cho nhân dân. Thỉnh thoảng tập trận, bắn tên lửa để củng cố lòng tự hào cách mạng và răn đe quốc tế, khẳng định khả năng tấn công phủ đầu và củng cố hình ảnh của đất nước và sự nghiệp vĩ đại của mình.

Chúng ta cần nêu cao khẩu hiệu “Đoàn kết”, văn hóa “Người yêu người sống để yêu nhau” để phát hiện, cách ly khỏi cuộc sống đất nước những kẻ chống đối, bất mãn, yêu ghét thất thường… vô tư tiếp tay cho phản loạn quốc tế. Kẻ xấu xa không thể tự biến mất mà chúng ta cần nêu cao tinh thần cách mạng, tiêu diệt thiểu số để đại đa số đi theo chúng ta, hết mình hy sinh vì sự nghiệp ái quốc cao cả. Chỉ có hy sinh vì nước Đại Triều Tiên hùng cường, tạo nên niềm sung sướng chung cho đại đa số người dân theo lý tưởng độc lập Juche (con người là chủ thể - tư tưởng Kim Nhật Thành) thì cha dù yên nghỉ ở nơi nào mới yên lòng mãn nguyện.

Hãy kiên định theo tư tưởng Kim Nhật Thành, hãy tiếp tục giáo dục chương trình “Chủ tịch vĩ đại Kim Nhật Thành” – “Lịch sử cách mạng của Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật”, “Đạo đức Cộng sản” và “Cương lĩnh Đảng Lao động” để nâng cao lòng tôn kính với các lãnh tụ. Con hãy thuyết phục, cưỡng bức nhân dân hiểu rằng những thứ đồ dùng hiện đại của phương Tây chỉ là những công cụ tinh vi, tiêm nhiễm, giam cầm đầu óc, tinh thần của họ, làm cho họ phục vụ ý đồ đen tối của chủ nghĩa tư bản phương Tây, đưa con người vào những ảo vọng tầm thường của nô lệ vật chất, làm tê liệt tước bỏ sự sung sướng, hạnh phúc đích thực, lòng ái quốc nhiệt thành của những người cộng sản, ~ chủ nhân nước Triều Tiên hùng mạnh. Bằng những thứ truyền thông quốc tế tuyên truyền, chúng định phân rã nội bộ vững chắc, niềm tin yêu của nhân dân đối với tiền đồ ông cha gây dựng.

Năm qua, cha cũng đã cho sinh viên học sinh nghỉ học, tham gia lao động công ích 1 năm để xây dựng các chung cư, công trình công cộng kỷ niệm năm tới 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành vĩ đại. Cũng dịp này, dành cho tương lai, con hãy cho xây thêm trại giam, nhà tù, trại cải tạo với tên gọi khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái để sáng tạo, phù hợp với văn hóa Cao Ly 3000 năm văn hiến và nền dân chủ tiên tiến Bắc Triều Tiên.

Tình cảm dân – lãnh tụ thường vẫn yêu-ghét lẫn lộn, thật-gian mập mờ. Con hãy đừng quên chúng ta vẫn trong cuộc chiến Nam-Bắc, chưa một ngày tháng đình chiến. Cha hy vọng con trai yêu quý và 15 triệu đồng chí đảng viên trung kiên, chúng ta sẽ vượt lên mọi khó khăn sắp tới, kế tục theo lý tưởng cách mạng! Cha biết rằng rất nhiều kẻ nối giáo giặc đang ẩn nấp trong bộ mặt đồng chí, bộ mặt nhân dân. Hãy luôn cảnh giác!

Nào, hãy bắt đầu nhiệm vụ lịch sử được trao cho ngay bằng những việc nhỏ nhất. Từ đám tang tiễn đưa cha, hãy phát hiện cho ra những kẻ đội lốt nhân dân không chịu than khóc thương nhớ cha! Hãy cho quân đội truy bắt chúng ngay. Kẻ thù của chúng ta khi thành thật nhất sẽ lộ ra toàn bộ sự gian dối nhất mà chỉ ở những thời khắc quan trọng ta mới phát hiện được.

Jong-Un yêu quý! Sứ mệnh của con là làm lãnh tụ vĩ đại, làm người hoàn thiện uy tín cầm quyền của dòng họ! Hãy xứng đáng với sự nghiệp nhân dân Triều Tiên đặt lên vai “Người kế nghiệp vĩ đại”! Nếu vứt bỏ quyền lực hay chia sẻ quyền lực cho bất kỳ ai là không xứng với ông cha và họ Kim vĩ đại!

Nếu ai đó chống lại chúng ta, nói xấu chúng ta, cha nhắc lại, con hãy loại ngay những đứa đó khỏi cuộc chơi. Chúng phải biết rằng hành động không trung thành với cách mạng sẽ phải trả giá, không chút cơ hội để ăn năn, để hối lỗi với cách mạng! Sẽ không còn nhiều cỏ cho những con cừu ngu dốt! Chúng ta không thể đồng lõa với những con cừu. Xã hội ta đang gây dựng không phải là xã hội tự quản của những con cừu, mà là xã hội vươn lên theo sự đưa đường chỉ lối của bậc lãnh tụ vĩ đại! Khi cha cất tiếng thì trật tự của những con cừu phải được lập lại! Mọi thay đổi phải bắt đầu từ cách làm này, làm trái nó, là ta tự đánh mất bản chất của mình là phí phạm đời dòng họ Kim vĩ đại! Di sản ý nghĩa nhất ông để lại cho cha và cha để lại cho con là sự nghiệp cách mạng, vĩnh viễn là cách mạng. Hãy nhớ rằng, một nửa cách mạng không phải là cách mạng. Chúng ta phải kiên trì cách mạng! Phải kiên định nhận diện kẻ thù, phản cách mạng để tiêu diệt chúng, tiến nhanh đến “Cường thịnh Đại quốc”!

Lời cuối, cha mong con sớm sinh thêm vài đứa cháu nối dõi để có thế hệ thứ 4 tiếp bước truyền thống họ Kim ta.

Năm 1994, ông của con cũng đã ra đi đột ngột để lại cho cha niềm đau thương, thổn thức. Dũng cảm lên! Cha không muốn con như cha đã từng. Vĩnh biệt con trai!

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

BIẾT ĐƯỢC KẺ THÙ CỦA TRUNG QUỐC ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐỒNG MINH - BIẾT ĐƯỢC ĐIỂM YẾU CỦA TRUNG QUỐC ĐỂ KHÔNG SỢ TRUNG QUỐC

PHONG TRÀO ĐỘC LẬP VÀ SỰ PHÂN RÃ TRUNG QUỐC

Hợp rồi tan tan rồi hợp. Đó là quy luật của tự nhiên và xã hội.

Gần đây nhất, Liên bang Xô viết thành lập năm 1922 và tan rã năm 1991. Năm 1949 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, sáp nhập Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông trở thành quốc gia có diện tích lớn thứ ba thế giới.

Và hiện nay, nỗi sợ hãi lớn nhất của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc là sự tan rã. Trung Quốc đang đối mặt với phong trào đòi độc lập, ngày một mạnh mẽ, của các khu vực sau đây.

1. Khu Tân Cương

Khu Tân Cương là khu vực nóng bỏng nhất về tinh thần ly khai hiện nay ở Trung Quốc. Tân Cương có truyền thống độc lập lâu đời tách biệt khỏi người Hán. Tân Cương có diện tích 1,6 triệu km vuông, chiếm 1/6 diện tích Trung Quốc. Người Uyghur chiếm đa số ở Tân Cương. Trung Quốc chiếm được Tân Cương phần lớn từ đời nhà Thanh trong thế kỷ 19. Trung Quốc chủ trương tăng nhanh dân số người Hán, từ 7% năm 1949 lên 40% hiện nay.

Trung Quốc đang đẩy mạnh Hán hóa vùng Tân Cương và đàn áp dã man phong trào đòi độc lập của người Uyghur. Tân Cương sẽ là khu vực đẫm máu của Trung Quốc trong nhiều năm tới.

2. Khu Tây Tạng

Tây Tạng có lịch sử lâu đời và tồn tại các đế chế khác nhau độc lập với người Hán. Tây Tạng có diện tích khoảng 1,3 triệu km vuông chiếm gần 1/7 diện tích Trung Quốc. Tây Tạng bị nhà Thanh thôn tính trong thế kỷ 18. Nhưng năm 1913 lại giành được độc lập. Năm 1951 chính quyền Mao Trạch Đông đã tiến quân vào Tây Tạng, sáp nhập Tây Tạng vào Trung Quốc.

Trung Quốc cũng thực hiện Hán hóa gấp rút vùng Tây Tạng. Người Tạng chỉ có khoảng 6 triệu. Nhưng từ năm 1951 chính quyền Trung Quốc đã đưa ước tính hơn 7 triệu người Hán đến Tây Tạng.

Phong trào đòi độc lập cho Tây Tạng được tiến hành rộng rãi không ngừng từ sau cuộc nổi dậy bất thành năm 1959. Cuộc đấu tranh đòi độc lập cho Tây Tạng được nhiều nước phương Tây ủng hộ.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt không ngừng với vấn đề độc lập của Tây Tạng.

3. Khu Nội Mông Ninh Hạ

Khu Nội Mông Ninh Hạ có diện tích gần 1.3 triệu km vuông, với dân số hiện nay khoảng 31 triệu người, trong đó người Hán chiếm áp đảo khoảng 80%.

Nội Mông Ninh Hạ trong lịch sử nhiều ngàn năm là các quốc gia khác nhau không thuộc Trung Quốc. Chỉ đến năm 1950, Mao Trạch Đông mới thôn tính hoàn toàn và áp đặt khu Nội Mông Ninh Hạ trong sự cai trị toàn bộ của Trung Quốc.

Với lịch sử độc lập nhiều ngàn năm trước, tuy số dân Mông Cổ và các tộc khác chiếm tỷ trọng ít, nhưng với phong trào ly khai ở các khu vực khác, khu Nội Mông Ninh Hạ cũng luôn tiềm ẩn bùng phát phong trào đấu tranh đòi độc lập khỏi Trung Quốc.

4. Khu Quảng Đông

Quảng Đông hiện là tỉnh có số dân hơn 105 triệu, đông nhất Trung Quốc và là tỉnh có thu nhập quốc dân lớn nhất Trung Quốc.
Tiếng Quảng Đông rất khác biệt được người Quảng Đông sử dụng ở Trung Quốc và nhiều nơi trên thế giới. Tiếng Quảng Đông từng được Tôn Trung Sơn dự tính là tiếng chính thức của Trung Hoa. Chỉ từ khi Mao Trạch Đông cầm quyền mới thiết lập được sự thống trị của tiếng Mandarin ở Trung Quốc như hiện nay.

Đề cập đến tiếng nói, văn hóa và kinh tế để thấy rằng khu vực Quảng Đông là một vùng rất đặc biệt, và người Quảng Đông không ngừng có tư tưởng độc lập với các tỉnh khác. Chính quyền Bắc Kinh hiện nay đang lo lắng về sự trỗi dậy của Quảng Đông như một “Quốc gia” có tiếng nói, văn hóa khác biệt lâu đời, với một tiềm lực kinh tế hùng mạnh.

5. Khu Quảng Tây - Vân Nam

Khu Tự trị người Choang của Quảng Tây, các dân tộc vùng Vân Nam từ xa xưa đều độc lập với vùng Hoa hạ. Bởi vậy, phong trào ly khai luôn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào khi thời cơ đến.
Chưa kể đến vùng Thanh Hải Cam Túc đều thuộc các đế chế khác trước đây, chưa nói đến vùng Tứ Xuyên chuyên mưu đồ riêng cơ nghiệp, chỉ 5 khu vực có phong trào ly khai trực diện và ngấm ngầm nêu trên đã chiếm đến khoảng 1/2 diện tích Trung Quốc. Đó thực sự là nỗi lo và nỗi sợ hãi lớn nhất của chính quyền bá quyền Trung Quốc.

6. Đài Loan Dân Quốc

Được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và Đồng minh, lãnh thổ này luôn trong tình trạng sẵn sàng TÁI CHIẾM Trung Hoa đại lục nếu nội bộ Trung cộng bị xâu xé. Chưa nói đến không ít thành phần người dân Trung Quốc đang bất mãn sẽ nổi dậy để lật đổ chính quyền.

Mặt khác, láng giềng Ấn Độ sẽ giúp giải phóng Tây Tạng cũng như tranh thủ lấy lại những vùng đất ở biên giới họ đã mất đang nằm trong tay Trung Quốc.

Tại sao Trung Quốc đang hung hăng?

Sự hung hăng của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông nói riêng và trên trường quốc tế nói chung, ngoài tham vọng bành trướng quyền lực và xâm chiếm tài nguyên lãnh thổ, còn có một lý do khác: Đó chính là đánh lạc hướng dư luận về những khó khăn nội bộ, nhất là phong trào ly khai trực diện của Tân Cương, Tây Tạng và làn sóng ly khai ngầm đang âm ỉ ở Quảng Đông.

Bao giờ thì Trung Quốc bị phân rã?

Phong trào đấu tranh ly khai sẽ không bao giờ ngừng ở Trung Quốc. Những dân tộc có truyền thống độc lập hàng ngàn năm trước khi bị sáp nhập vào Trung Quốc ngày nay, sẽ không bao giờ chịu khuất phục. Họ sẽ không ngừng tranh đấu cho một nền độc lập dân chủ tự quyết của chính dân tộc mình.

Trung Quốc sẽ bị phân rã trong tương lai, khi mà nhân loại càng văn minh dân chủ, và khi mà nền dân chủ đích thực toàn thắng ở Trung Quốc.

P/s: Nếu có cơ hội, liệu dân tộc Việt sẽ lấy lại những vùng đất đã mất mà cha ông ta chưa kịp đòi lại?

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

Sau khi phát xít Nhật bại trận, việc làm đầu tiên của quân đội Mỹ lúc mới đến Nhật là chở lương thực và các vật dụng cần thiết cho đời sống đến Nhật để cứu đói và tránh các bất ổn xã hội do nạn đói và thiếu thốn gây ra. Tướng Mc Arthur còn ra lệnh thực hiện chương trình cho học sinh ăn trưa miễn phí tại các trường học Nhật. Lính Mỹ được lệnh phải tôn trọng phong tục tập quán của nước Nhật và giúp đỡ người dân, chẳng hạn, khi vào nhà phải cởi giày để ở bên ngoài, đứng điều khiển giao thông trước các trạm xe lửa có xe cộ đông đúc, giúp đỡ trẻ em thiếu ăn

Mời các bạn đọc toàn bộ bài viết cực kì bổ ích dưới đây (không đọc là 1 đáng tiếc lớn cho những ai muốn tiếp thu kiến thức)

NGƯỜI MỸ ĐÃ THAY ĐỔI NƯỚC NHẬT RA SAO

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện trước sức tấn công của quân đội Đồng Minh. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Nhật Bản ký hiệp ước đầu hàng với các nhà lãnh đạo quân đội Đồng Minh trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ. Năm ngày sau khi Nhật ký hiệp ước đầu hàng, ngày 7 tháng 9 năm 1945, thống tướng Mỹ Douglas McArthur, người chỉ huy các lực lượng Đồng Minh tại Thái Bình Dương, thiết lập văn phòng làm việc tại Tokyo, mở đầu cho gian đoạn Mỹ chiếm đóng nước Nhật kéo dài trong sáu năm, tám tháng. Trong giai đoạn này, ông McArthur đã đề ra nhiều biện pháp thay đổi nước Nhật về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để biến nước Nhật từ một quốc gia hiếu chiến thành một nước đi theo con đường hòa bình, lo phát triển kinh tế.

- Tình cảnh nước Nhật sau khi bại trận

Sau khi bị bại trận và phải đầu hàng vô điều kiện vào năm 1945, nước Nhật có nhiều thành phố bị tàn phá vì chiến tranh. Ngoài hai thành phố là Hisosima và Nagasaki bị san phẳng vì bom nguyên tử với hàng triệu người chết và bị thương, nhiều thành phố khác cũng bị tàn phá vì phi cơ Mỹ ném bom vào các khu trung tâm công nghiệp để triệt hạ sức sản xuất cho chiến tranh của Nhật. Khi người lính Mỹ đặt chân lên nước Nhật họ đã sững sờ vì mức độ nước Nhật bị tàn phá trên sự tưởng tượng của họ. Tại nhiều nơi, chỉ còn lại sườn sắt thép siêu vẹo, cột, đà gỗ bị cháy. Hệ thống cấp nước đến các nhà bị phá hủy nên ở một số nơi, người dân phải lấy nước ở vòi nước công cộng để sinh sống. Ở một số khu vực, nhà cửa bị hư hại không còn cầu tiêu nên người dân phải đào lỗ cạnh nhà để tiêu tiểu.

Trung tâm thương mại tại khu phố Meguro bị bom tàn phá nên năm 1948, các cửa hàng được dựng lên bằng tre lá . Đến thập niên 1970 khu này được xây dựng lại với các building kiên cố

Hàng triệu người lính giải ngũ cũng một lúc không có công ăn việc làm. Nhiều người dân thất nghiệp vì các nhà máy bị tàn phá. Ngoài đường phố nhiều cựu chiến binh và thương binh phải xin ăn.

Nạn thiếu thực phẩm đã xảy ra. Có trường hợp tại vùng quê có người nhảy lên tàu hỏa để đi lên thành phố xem có thể kiếm gì ăn được. Nhiều người phải tìm rau dại, đào củ ăn thay cơm. Mỹ đã phải cấp tốc chở gạo cứu đói đến cho Nhật. Nhiều trẻ em lớn lên vào thời kỳ này vì thiếu ăn nên đã bị còi cọc, không lớn được.

Nạn lạm phát lên cao. Nạn chợ đen cũng lan tràn. Hàng hóa rất khan hiếm vì nhà máy bị phá hủy hết. Người dân Nhật lúc đó rất nghèo, chỉ có ít tiền nhưng cũng chẳng có gì để mà mua.

Vì Nhật bị thua phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện nên phải chấp nhận các biện pháp mà tướng McArthur đưa ra nhưng cũng có những người Nhật chấp nhận hợp tác với người Mỹ trong các cải cách về nước Nhật vì họ cũng đồng ý là các thay đổi này có lợi cho nước Nhật. Người Nhật đã gọi ông là vị Shogun Mỹ.

Việc làm đầu tiên của ông là ra lệnh chở lương thực và các vật dụng cần thiết cho đời sống đến Nhật để cứu đói và tránh các bất ổn xã hội do nạn đói và thiếu thốn gây ra. Ông ra lệnh thực hiện chương trình cho học sinh ăn trưa miễn phí tại các trường học Nhật.

Quân đội Mỹ tiến vào nước Nhật, giải thoát các tù binh Mỹ và thi hành các điều kiện đã ký kết trong văn bản đầu hàng. Toàn bộ quân đội Nhật bị giải tán . Các binh sĩ được cho về quê sống . Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nhật bị quân đội ngoại bang chiếm đóng.

Lính Mỹ được lệnh phải tôn trọng phong tục tập quán của nước Nhật và giúp đỡ người dân, chẳng hạn, khi vào nhà phải cởi giày để ở bên ngoài, đứng điều khiển giao thông trước các trạm xe lửa có xe cộ đông đúc, giúp đỡ trẻ em thiếu ăn. Người Nhật cảm động trước cách cư xử này của lính Mỹ.

Điều đầu tiên chính phủ Nhật chuẩn bị khi lính Mỹ tiến vào nước Nhật là mở ra hàng trăm nhà chứa điếm và các trạm giải trí để lính Mỹ đừng xâm phạm đến phụ nữ Nhật. Một số phụ nữ Nhật lo sợ bị lính Mỹ hãm hiếp nên đã cắt tóc ngăn, ăn mặc giả như là đàn ông khi đi ra ngoài. Có người kể là có phụ nữ đem theo những viên thuốc độc cianide để phòng khi bị cưỡng hiếp thì họ sẽ uống thuốc độc tự tử để khỏi bị mang nhục.

Lúc đầu, lính Mỹ được ra lệnh khi đi ra khỏi doanh trại phải trang bị đầy đủ vũ khí giống như khi ra trận, không được phép thân mật hay kết bè bạn với người Nhật. Nhiều người Nhật phàn nàn về chính sách này và sau đó người Mỹ thấy người Nhật không có vẻ gì là thù hận người Mỹ và không có ý định hại người Mỹ nên sáu tháng sau, lệnh trên được bãi bỏ. Lính Mỹ có thể đi ra ngoài phố mà không cần phải đem vũ khí theo.

Khi ra tướng McArthur ra trước quốc hội Mỹ để trình bày cho quốc hội biết kế hoạch ông sẽ thực hiện tại Nhật, ông nói là sẽ biến nước Nhật thành một nước dân chủ và theo kinh tế tư bản.

Chính sách của Mỹ tại Nhật sau chiến tranh là tìm cách loại bỏ các thành phần hiếu chiến đã chủ trương gây chiến tranh. Đồng thời với việc loại các thành phần hiếu chiến là sửa đổi kinh tế để các thành phần chủ chiến mất cơ sở về kinh tế. Về mặt xã hội, tinh thần thượng võ theo truyền thống của Nhật bị xóa bỏ bớt.

- Thay đổi về chính trị

Sau chiến tranh, có 23 viên chức Nhật trong hàng ngũ lãnh đạo, một số ở trong quân đội, một số bên dân sự, bị đem ra tòa xử về tội ác chiến tranh. Trong số 23 người này, có bảy người bị xử tử. Thủ Tướng Nhật thời chiến tranh là Hideki Tojo cũng nằm trong số người bị xử tử.

Về phần Nhật Hoàng Hirohito, ông đứng ra nhận tất cả trách nhiệm về cuộc chiến và chấp nhận từ chức nếu Mỹ yêu cầu. Tướng McArthur đã không đòi hỏi Nhật Hoàng từ chức.

Có người lý luận là những tướng lãnh, những viên chức chính quyền bị xem là tội phạm chiến tranh và bị trừng phạt chẳng qua là họ nghe theo lệnh Nhật Hoàng. Thế mà đem trị tội những người thi hành lệnh mà lại không trừng phạt người ra lệnh, tức là Nhật Hoàng, thì việc trừng phạt những người kia chẳng còn có giá trị. Nhưng tướng McArthur hành động theo thực tiễn. Ông thấy Nhật Hoàng là người được toàn dân Nhật tôn trọng nên ông muốn Nhật Hoàng được tại vị để làm biểu tượng đoàn kết dân Nhật và đem lại ổn định về chính trị. Nếu đem hạ bệ Nhật Hoàng thì khi người lãnh đạo tối cao không còn, mọi người sẽ quay ra tranh giành quyền lực, chống đối nhau, gây mất ổn định cho đất nước.

Nhật Hoàng đã đi khắp nơi trên đất nước Nhật đến nhiều gia đình để bắt tay người dân, thăm hỏi về đời sống. Việc là này làm cho người dân rất xúc động và lên tinh thần, cố gắng làm việc để vượt qua các khó khăn.

Hiến pháp của Nhật bị thay đổi để trở thành một hiến pháp của một nước theo đường lối hòa bình. Hiến pháp Nhật trước đó được soạn vào năm 1889 và thời Minh Trị Thiên Hoàng theo mẫu của hiến pháp Anh để biến chế độ nước Nhật từ chế độ quân chủ thành chế độ quân chủ lập hiến. Trong chế độ quân chủ lập hiến, người dân được quyền bầu đại diện vào quốc hội, đại biểu của dân tham gia việc soạn luật trong khi vua vẫn giữ vai trò lãnh đạo tối cao.Với tư cách là người thắng trận, người Mỹ đã sửa đổi một số điều trong hiến pháp và đưa sang cho quốc hội Nhật biểu quyết chấp nhận. Việc soạn các sửa đổi trong hiến pháp được làm trong thời gian rất ngắn, chỉ có sáu ngày.

Trong hiến pháp mới, Nhật Hoàng vẫn giữ vai trò lãnh đạo tối cao, nhưng chỉ có tính cách biểu tượng cho quốc gia và sự đoàn kết dân tộc mà không có quyền lực trong việc quyết định các đường lối, chính sách của quốc gia. Đường lối và chính sách quốc gia do các chính trị gia được dân bầu lên theo thể thức dân chủ đảm nhiệm. Hiến pháp mới qui định nước Nhật sẽ không gây chiến với các nước khác để chiếm đất đai. Nước Nhật sẽ không lập một quân đội đông đảo mà chỉ có lực lượng phòng vệ quốc gia.

Trong hiến pháp mới, các quyền tự do căn bản của người dân như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do tôn giáo được tôn trọng và phụ nữ cũng được quyền đi bầu.

Hiến pháp mới của Nhật được gọi là Hiến Pháp Hòa Bình, mở đầu với câu: "Chúng tôi, nhân dân nước Nhật, mong muốn vĩnh viễn có hòa bình… Chúng tôi mong muốn luôn luôn có được một chỗ đứng vinh dựng trong cộng đồng thế giới trong việc duy trì hòa bình thế giới, trong việc hủy bỏ sự độc đoán và sự nô lệ hóa, sự áp bức và lòng bất khoan dung".

Điều 9 trong hiến pháp Nhật ngăn cấm mọi hoạt động quân sự. Điều này viết : "Nhân dân Nhật không sử dụng chiến tranh để áp đặt lên nước khác uy quyền của mình và không dùng vũ lực trong các vụ tranh chấp với các nước khác".

Hiến pháp này cũng qui định Nhật sẽ không tuyên bố gây chiến với các nước khác và không xây dựng một lực lượng bộ binh và hải quân lớn. Vì hạn chế có một quân đội lớn nên Nhật tiêu ít vào quốc phòng hơn các nước khác. Mỗi năm Nhật chỉ chi vào quốc phòng khoảng 1% ngân sách quốc gia. Tỉ lệ trung bình của các nước khác là từ 2% đến 4%. Một số người Nhật muốn Nhật có quân đội mạnh hơn nhưng đa số người Nhật muốn giữ tình trạng như vậy. Cũng có lúc Mỹ muốn Nhật chi vào quốc phòng nhiều hơn vì nếu Nhật có một lực lượng quân sự lớn hơn thì Mỹ sẽ có thể giảm bớt chi phí về lực lượng quân sự của mình tại Á Châu trong việc ngăn ngừa sự bành trướng của khối Cộng Sản nhưng người Nhật cũng vẫn không gia tăng ngân sách quân sự . Họ muốn dồn ngân sách vào việc phát triển kinh tế.

Hiệp Ước Hòa Bình ký tại San Francisco năm 1951 bởi 48 nước, trong đó có Mỹ, Liên Xô, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) và Nhật qui định Nhật là một nước có chủ quyền về các chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia. Năm 1956, Nhật trở thành hội viên của Liên Hiệp Quốc. Năm 1965, Nhật ký hiệp ước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Đại Hàn Dân Quốc, nước trước đây là thuộc địa của Nhật.

- Thay đổi văn hóa xã hội

Nhiều điều thay đổi trong xã hội Nhật đã được thực hiện trong giai đoạn này. Những phong tục, tập quán được cho là đề cao tinh thần ham chuộng sử dụng vũ lực và tinh thần quốc gia cực đoan bị ngăn cấm.

Tuồng Kabuki, loại tuồng cổ của Nhật, bị cấm. Tuồng Kabuki đã có từ lâu đời nhưng được đề cao và phổ biến mạnh mẽ trong thập niên 1930 là thời giới quân phiệt Nhật nắm quyền và thời tinh thần dân tộc được đề cao mạnh mẽ. Nhưng đến năm 1947 thì lệnh cấm bị bãi bỏ và ngày nay, tuồng Kabuki vẫn còn tồn tại.

Các môn võ bị cấm dạy trong đó có cả môn như Kiếm Đạo. Sau này, khi Nhật được trả lại chủ quyền vào năm 1952, chính quyền Nhật đã bãi bỏ luật cấm dạy võ. Các cuộc tranh tài về võ và đánh kiếm được phục hồi lại. Nhưng sau này các môn võ nghệ được xem như là thể thao chứ không phải để đào tạo, huấn luyện võ sĩ để theo sự nghiệp chiến tranh như thời xưa.

Trong trường học, giáo viên dạy học sinh về tinh thần dân chủ thay vì dạy học sinh phải tôn thờ Nhật Hoàng. Những đoạn ca tụng tinh thần thượng võ của giới Samurai trong sách giáo khoa bị bãi bỏ. Người dân Nhật phải đem nộp hết các kiếm, trong đó có các thanh kiếm cổ có từ hàng trăm năm. Ước lượng có đến hàng triệu thanh kiếm phải đem nộp cho nhà nước.

Thần Đạo không còn được xem là quốc giáo mặc dù không bị cấm. Nhật Hoàng tuy còn tại vị nhưng không được xem là một vị thần ở dưới trần thế như xưa. Việc bãi bỏ Thần Đạo là quốc giáo và để cho tự do tôn giáo đã đưa đến hiện tượng có một số người đứng ra đi giảng đạo, qui tụ tín đồ và thành lập tôn giáo, đạo giáo mới.

- Thay đổi về kinh tế

Trước khi Đệ Nhị Thế Chiến nổ ra vào năm 1939, Nhật đã là một nước công nghiệp hóa với hệ thống kinh tế, chính trị có những nét giống như các nước tư bản Tây Phương. Nhật có những công ty lớn gọi là Zaibatsu, do tư nhân làm chủ, và kinh doanh trong nhiều ngành. Zaibatsu tiếng Nhật có nghĩa là tập đoàn tài chính. Các Zaibatsu hoạt động trong ngành khai thác quặng mỏ, luyện thép, chế tạo máy móc, chế tạo vũ khí, buôn bán với các nước. Một số các Zaibatsu này là cơ sở kinh tế của tầng lớp chủ chiến tại Nhật.

Chế độ chính trị Nhật cũng phát triển theo qui luật hạ tầng kiến trúc chi phối thượng từng kiến trúc với các công ty lớn có liên hệ với các đảng chính trị và các đảng này tranh đấu cho quyền lợi của các công ty trong quốc hội. Có sự liên hệ giữa các Zaibatsu và các đảng chính trị và giới quân nhân chủ trương dùng chiến tranh bành trướng để chiếm các vùng có nhiều quặng mỏ, nhiêu liệu. Số công ty lớn đáng được gọi là Zaibatsu có đến hàng chục. Trong đó bốn Zaibatsu lớn nhất là Mitsubishi, Sumitomo, Misui và Yasuda. Các công ty này đã hiện diện hàng chục năm, từ khi Minh Trị Thiên Hoàng canh tân nước Nhật vào thập niên 1860. Hãng Mitsubishi cũng chế tạo khí giới, bom đạn để phục vụ cho chiến tranh. Chiếc chiến đấu cơ nổi tiếng của Nhật là Zero được chế tạo bởi hãng Mitsubishi.

Sau 1945, Mỹ giải tán mười sáu Zaibasu, trong số đó có bốn công ty lớn nhất là Mitsubishi, Sumitomo, Misui và Yasuda. Hai mươi sáu Zaibatsu được tái cấu trúc lại để trở thành hàng trăm công ty nhỏ. Mục đích của việc tái cấu trúc là để xóa bỏ ảnh hưởng của những thành phần chủ chiến trong xã hội Nhật, từ lãnh vực chính trị cho đến kinh tế, văn hóa chứ không chỉ giới hạn trong việc đem xét xử những người lãnh đạo chiến tranh trong quân đội và chính phủ mà thôi.

Đồng thời việc tổ chức lại một số tập đoàn tài chánh lớn là việc ban hành Luật Tản Quyền và Ủy Ban Kinh Doanh Công Bằng. Luật này nhằm mục đích giảm bớt việc tập trung nguồn lợi kinh tế vào trong tay một thiểu số người.

Kinh tế Nhật sau đó, với chính phủ có chủ quyền, có đặc tính là chính phủ can thiệp và chi phối khá nhiều vào hoạt động kinh tế chứ không tự do như nền kinh tế Mỹ. Một số thí dụ trong việc chính phủ can thiệp vào kinh tế như chính phủ hạn chế số hãng được mở ra trong một số ngành công nghiệp quan trọng. Việc hạn chế số hãng được mở ra nhằm mục đích vừa duy trì sự cạnh tranh giữa các hãng với nhau, vừa giữ cho số vốn được tập trung trong một số hãng mạnh, có khả năng cạnh tranh với các công ty mạnh trên thế giới chứ không tản mát vốn vào các công ty nhỏ không đủ sức cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Một thí dụ khác như chính phủ giúp đỡ cho một số công ty quan trọng khi các công ty này gặp khó khăn, tránh cho các công ty bị vỡ nợ, phải đóng cửa quá sớm, tạo thêm điều kiện cho các công ty lướt qua các khó khăn khi kinh tế thế giới không thuận lợi. Các biện pháp can thiệp của chính phủ có những ưu điểm cũng như khuyết điểm cho nền kinh tế nói chung.

Nói chung Mỹ không tìm cách làm cho kinh tế Nhật suy yếu đi khi giải tán các công ty lớn mà chỉ tìm cách xóa bỏ ảnh hưởng của các thành phần chủ chiến. Mỹ muốn Nhật có một nền kinh tế thịnh vượng phát triển trong khung cảnh hòa bình. Nền kinh tế thịnh vượng đem lại công ăn việc làm cho người dân sẽ giảm bớt số người nghèo khổ bất mãn, thấy cuộc đời mình bị bế tắc, không có tương lai sẽ gia nhập các phong trào chính trị cực đoan, chủ trương dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội.

* Người Mỹ đã thay đổi được gì

Những việc làm của tướng McArthur như thay đổi hiến pháp, thay đổi kinh tế, văn hóa sau đó có điều được bỏ đi, có điều chỉ áp dụng ở một mức độ nào đó hoặc chỉ có ảnh hưởng đến văn hóa, xã hội Nhật đến một mức nào đó.

Điều đã thay đổi nước Nhật là phe quân nhân mất ảnh hưởng và không còn can thiệp vào kinh tế, chính trị Nhật nữa . Quân đội Nhật chỉ giữ vai trò phòng vệ quốc gia chứ những người lãnh đạo quân đội không làm kinh tế, không can thiệp vào đường lối của chính phủ do dân bầu.

Nếu nhìn vào một số quốc gia ngày nay như Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Pakistan … với quân đội và cơ quan an ninh có ảnh hưởng trong chính trị, kinh tế và có hậu quả xấu cho quốc gia thì việc triệt tiêu được ảnh hưởng của giới quân nhân Nhật sau Thế Chiến Hai là sự thành công. Sự thành công này có lợi cho Mỹ là Nhật sẽ không dùng quân sự mà chống Mỹ, nhưng cũng có lợi cho Nhật là các thành phần kinh tế, xã hội khác trong nước Nhật có cơ hội được hoạt động và phát triển mà không bị giới quân nhân lấn át.

Tại Thái Lan, quân đội vẫn còn giữ vai trò quan trọng trong chính trị. Thủ tướng Thái mặc dù được dân bầu lên như có thể bị lật đổ khi quân đội làm đảo chánh. Như vậy, khi thủ tướng Thái có những chính sách làm thiệt hại đến quyền lợi của quân đội thì sẽ bị quân đội ngăn cản. Nếu thủ tướng cứ tiếp tục chính sách đó thì sẽ bị quân đội làm đảo chánh lật đổ, rồi sau đó quân đội lại để cho bầu cử để có thủ tướng mới. Một số tướng lãnh Thái tham nhũng và có quyền lợi trong một số công ty. Việc quân đội dùng sức mạnh xen vào chính trị khiến cho một số hành vi phạm pháp, tham nhũng không bị trừng phạt và quân đội dùng sức mạnh để bảo vệ quyền lợi của một nhóm người chứ không theo sự công bằng xã hội.

Nước Nhật đã từng trải qua sự thay đổi vào giữa thế kỷ 19 khi những người lãnh đạo muốn canh tân nước Nhật. Việc kinh doanh trước đó bị coi thường. Tầng lớp thương nhân bị đứng hàng chót trong bốn tầng lớp Sĩ, Nông, Công, Thương. Tầng trên cùng là Sĩ tức là Võ Sĩ, Samurai, là người được trọng vọng, có quyền đeo kiếm đi ngoài đường. Sĩ của Nhật khác với Sĩ của Trung Hoa và Việt Nam. Sĩ của Trung Hoa và Việt Nam là Nho sĩ, là người xem trọng việc giáo dục dân, giải quyết vấn đề bằng hòa bình hơn là dùng vũ lực. Để chấn hưng thương mại, những người chủ trương canh tân đã viết sách thay đổi cách nhìn của dân Nhật về giới thương nhân. Tầng lớp võ sĩ cũng bị giảm bớt giá trị khi chính quyền không còn duy trì sự phân biệt các tầng lớp một cách chặt chẽ như xưa. Với sự thay đổi của người Mỹ, giới quân nhân bị mất ảnh hưởng rất nhiều, tinh thần võ sĩ đạo đề cao sự can đảm, không sợ chết không còn được trọng vọng, thay vào đó là một lớp doanh nhân, xem việc kiếm tiền là mục tiêu cần theo đuổi.

Việc giảm đi tinh thần thượng võ, gia tăng tinh thần kinh doanh làm cho một số người Nhật bất mãn vì thấy văn hóa truyền thống của Nhật bị phai nhạt đi. Nhưng chính đa số dân Nhật cũng tán thành việc làm giảm bớt tinh thần thượng võ vì họ thấy sự tai hại ghê gớm của chiến tranh. Về những năm sau này, có trường hợp một người Nhật tự mổ bụng tự tử để tỏ ý phản đối văn hóa mới, không còn xem trọng các đức tính của Samurai nữa.

* Những gì nước Nhật không thay đổi

Tuy Mỹ có thay đổi hiến pháp và luật pháp, cũng với ý định thay đổi cả văn hóa Nhật nhưng sau hàng chục năm, có những điều Nhật vẫn không thay đổi nhiều.

Xã hội Nhật vẫn có tính cách tôn ti trật tự, người dưới nghe lời người trên, chứ không giống như các nước Tây Phương mỗi người là cá nhân bình đẳng với nhau.

Vai trò phụ nữ Nhật trong các hoạt động kinh tế, xã hội vẫn khiêm nhường hơn so với vai trò phụ nữ Tây Phương. Trong hàng chục năm sau chiến tranh, gia đình Nhật vẫn còn là người chồng đi làm, vợ ở nhà chăm sóc gia đình, con cái trong khi cùng thời gian đó, tỉ lệ phụ nữ Tây Phương ra ngoài đi làm cao hơn.

Người Nhật vẫn giữ thói làm việc rất cẩn thận, chu đáo. Vào đầu thập niên 1980, khi hàng hóa Nhật với đồ điện tử, xe hơi, xe mô tô xuất cảng lan tràn trên thế giới, người Mỹ thấy hàng hóa Nhật tốt hơn, bền hơn nên tìm hiểu tại sao. Họ thắc mắc tại sao người Nhật học phương pháp kiểm soát phẩm chất trong công nghiệp từ Mỹ lại sản xuất ra hàng hóa có phẩm chất cao hơn hàng hóa Mỹ. Người Mỹ thấy là sở dĩ hàng hóa Nhật có phẩm chất tốt là vì người Nhật làm việc với thái độ cẩn thận, chu đáo, để ý đến từng chi tiết nhỏ.

[Phép lạ Nhật Bản]

Vào thời gian đầu tiên sau 1945, Nhật là một nước bị chiến tranh tàn phá nên kinh tế Nhật là kinh tế thắt lưng buộc bụng, đời sống kham khổ, phải làm việc nhiều. Đến thập niên 1960 người ta nói đến Phép Lạ Nhật Bản khi kinh tế Nhật hồi phục mau chóng và đi vào giai đoạn tăng trưởng với tốc độ nhanh. Vào thời gian này, tại Châu Âu, kinh tế Tây Đức cũng hồi phục và phát triển nhanh. Dư luận tại miền Nam lúc đó nói rằng Đức và Nhật là hai nước kẻ thù của Mỹ mà ngày nay trở thành bạn và có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, nên có nhiều người hy vọng việc miền Nam sẽ có được sự giúp đỡ của Mỹ để phát triển kinh tế.

Tại Châu Âu, sự giúp đỡ của Mỹ được nhắc đến qua chương trình Marshall . Qua chương trình này, Mỹ đem tiền cho các nước Tây Âu vay để các nước này xây dựng lại hạ tầng cơ sở, hồi phục lại nền công nghiệp đã bị chiến tranh tàn phá trong Thế Chiến Hai . Tại Nhật, không có chuyện Mỹ đổ tiền vào một cách dồi dào như tại Tây Âu nhưng Mỹ cũng có góp phần làm cho kinh tế Nhật phát triển nhanh hơn trong việc dành các hợp đồng cung cấp quân trang, quân dụng cho quân đội Mỹ trong hai cuộc chiến tranh tại Đại Hàn, 1950 – 1953, và chiến tranh tại Việt Nam vào thập niên 1960.

Sự phục hồi kinh tế của hai nước Tây Đức và Nhật cũng là do chính phủ các nước này biết quản lý kinh tế một cách khôn ngoan và người dân các nước này hăng hái làm việc, nhưng đối với dân miền Nam lúc đó thì trường hợp hai nước này cho thấy ít ra là hai nước này có thể trở thành thịnh vượng khi nằm trong khu vực ảnh hưởng của Mỹ, dù là trước đó đã là kẻ thù của Mỹ.

Phép lạ Nhật Bản là làm việc nhiều và chịu khó,Vào thập niên 1950, 1960 dân Nhật sống đời sống cần kiệm, kham khổ. Một ký giả Tây phương mô tả bữa cơm của một gia đình công nhân Nhật thường không có thịt. Trên mâm chỉ có mấy miếng đậu phụ. Cả nhà ăn đậu phụ chấm tương. Ăn xong rồi thì chan canh rau cũng nấu với đậu phụ. Ăn canh sau cùng cũng để rửa sạch bát để không còn dính một hạt cơm nào trong bát. Nhật là đảo quốc thì ăn tôm, cá nhiều hơn. Thịt bò tại Nhật rất đắt chỉ có nhà giàu mới có tiền ăn thịt bò. Vì Nhật ít đất nên không để đất trồng cỏ để nuôi bò, cho nên phải nhập cảng thịt bò. Người Nhật, người Đài Loan và người Đại Hàn ăn đậu phụ rất nhiều so với người Việt. Đậu phụ là nguồn cung cấp chất protein cho bắp thịt cần cho những người làm việc nặng và đậu phụ rẻ hơn thịt.

Phép lạ Nhật Bản cũng là sự tính toán, tiết kiệm trong đời sống. Nhật tuy đất ít nhưng cũng có thể tự túc được gạo. Để phát huy năng suất của đất, người Nhật sử dụng nhiều phân bón hóa học. Vì thế giá thành của lúa làm ra cao. Chính phủ Nhật phải phụ cấp cho nông dân để nông dân có thể bán lúa trong nước với giá thấp hơn. Để đạt được mức cung cấp gạo tối đa cho một diện tích đất ít ỏi, người Nhật trồng loại lúa thượng hạng. Loại lúa này họ đem xuất cảng bán được với giá cao. Số tiền bán được họ mua gạo hạng thường về cho dân dùng như thế họ có được nhiều gạo hơn. Trong những năm từ đầu thiên niên kỷ 2000, chính phủ Nhật bỏ phụ cấp trồng lúa cho nông dân và bỏ chính sách phải tự túc được về gạo mà nhập cảng gạo cho dân trong nước dùng. Họ dùng đất để xây nhà máy, chế tạo hàng hóa đem bán thì được lợi gấp bội việc trồng lúa.

Phép lạ Nhật Bản cũng là sự tỉnh táo, sáng suốt nhìn vào tình thế. Người Nhật có thể rình giết lính Mỹ, quấy rối quân đội Mỹ mãi mãi để đuổi người Mỹ đang chiếm đóng nước Nhật. Nhưng làm thế thì Nhật sẽ trở thành kẻ thù của Mỹ và mất đi dịp học hỏi kỹ thuật của người Mỹ. Người Nhật hiểu họ thua Mỹ là vì kém về kỹ thuật trong nhiều mặt, kém về tiềm năng kinh tế. Vì thế họ đưa ra khẩu hiệu "đuổi kịp người Tây Phương, vượt qua người Tây Phương". Họ đã từng canh tân nước Nhật vì thấy khoa học kỹ thuật và kinh tế là nền tảng của sức mạnh quốc gia. Họ tìm cách xây dựng nền tảng của sức mạnh quốc gia trong khi hoàn cảnh bại trận giới hạn họ trong một số mặt. Họ đã tự nhủ với nhau rằng "Nếu chúng ta không thể làm người thắng giỏi thì chúng ta sẽ làm người thua giỏi". Người thua giỏi là người biết nuôi sức mình để chờ cơ hội thuận tiện mà đứng thẳng lên.

* Nhật là thuộc địa kiểu mới của Mỹ?

Cho đến ngày nay cũng vẫn còn có người gọi các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của các nước tư bản Tây phương là "thuộc địa kiểu mới" của các nước Tây phương. Chữ thuộc địa kiểu mới phát sinh từ chỗ sau Thế Chiến Hai, các nước Tây Phương đã trả lại độc lập cho các nước thuộc địa nhưng vẫn giữ quan hệ về kinh tế, chính trị với các nước này. Các nước thuộc địa cũ tuy được độc lập nhưng vẫn còn nền kinh tế nông nghiệp, chưa công nghiệp hóa nên vẫn tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của các nước Tây phương, các nước Tây Phương vẫn khai thác và mua nguyên liệu từ các nước thuộc địa cũ giống như thời các nước này còn là thuộc địa. Chẳng hạn, các nước cựu thuộc địa của Anh, sau khi được trả độc lập vẫn ở trong khối Common Wealth do Anh dẫn đầu và buôn bán, giao thiệp với Anh. Một số nước cựu thuộc địa của Pháp ở trong khối Liên Hiệp Pháp và tiếp tục buôn bán, giao thiệp với Pháp.

Trường hợp của Nhật xem ra không thể xếp chung vào với các nước cựu thuộc địa vì Nhật đã là một nước công nghiệp hóa chẳng khác gì các nước Tây phương từ trước Thế Chiến Hai. Sau Thế Chiến Hai, vì thua trận nên Nhật và Đức bị Mỹ khống chế không cho có quân đội lớn, nhưng về mặt kinh tế, Nhật là một nước công nghiệp hóa nên Nhật bán hàng cho các nước khác đồng thời mua nguyên liệu từ các nước khác giống y như các nước Tây Phương đã công nghiệp hóa chứ không phải là nước chỉ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của các nước Tây phương và cung cấp nguyên liệu cho các nước công nghiệp. Vì thế không thể gọi Nhật là thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Nhật bán hàng sang Mỹ nhiều hơn Mỹ bán sang Nhật. Công ty Toyota của Nhật đã soán ngôi công ty GM của Mỹ trong ngôi vị công ty bán xe hơi nhiều nhất thế giới thì đâu thể gọi Nhật là thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

Qua đến thập niên 1980, một số nước Á Châu trước đây bị gọi là thuộc địa kiểu mới như Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Phillipines lại được xem là Con Rồng Của Á Châu khi có nền kinh tế phát triển nhanh. Trường hợp Đài Loan và Nam Hàn thì từ nước nông nghiệp sau Thế Chiến Hai ngày nay đã thành một nước công nghiệp sản xuất hàng bán đi khắp thế giới.

Dù gọi là thuộc địa kiểu mới hay là gì chăng nữa thì trong nền kinh tế tự do của thế giới, nước nào mà người dân hăng hái hoạt động, có chính sách phát triển khôn ngoan thì cũng vươn lên được.

Người Mỹ đã thay đổi nước Nhật ở chỗ giới hạn khuynh hướng gây chiến tranh, nhưng trong khung cảnh kinh tế tự do của thế giới, nước Nhật cũng vẫn vươn lên được bằng các sử dụng tốt nhất các điều kiện eo hẹp nhất định mà họ có!