Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

HỌ CỦA NGƯỜI VIỆT

Danh tính gắn liền với đời người, ai cũng có quyền tự hào về tên họ của mình, nhưng ít khi người ta quan tâm cái họ của mình bắt nguồn từ đâu; và càng hiếm người phát hiện ra tộc Việt vốn… không có họ. Họ của người Việt, trừ một số rất ít mượn của Chiêm tộc và Chân Lạp, còn thì hầu hết đều bắt nguồn từ Trung Hoa.
Đọc sử Việt Nam, nếu chú ý cái họ, ta sẽ thấy thủy tổ các dòng dõi vương triều Đại Việt đều có huyết thống rơi rớt từ phương Bắc: Ngô Quyền, người sáng lập triều Ngô, gốc ở đất Ký (冀 – tên gọi tắt tỉnh Hà Bắc, Trung Hoa); Đinh Bộ Lĩnh, người gốc Việt (粵 – tên gọi tắt tỉnh Quảng Đông); Lê Hoàn gốc Thục (蜀 – tên gọi tắt tỉnh Tứ Xuyên); Lý Công Uẩn và Trần Thừa cùng gốc Mân (閩 – tên gọi tắt tỉnh Phúc Kiến); Hồ Quý Ly gốc ở Chiết Giang; Mạc Đăng Dung gốc Quảng Đông; Lê Lợi gốc Phúc Kiến; Trịnh Kiểm, cũng như Nguyễn Phúc Ánh, đều gốc Mân Phúc Kiến.
Tại sao lại có sự dính líu của các vương triều ở đây? Thật ra không phải chỉ bọn vua quan, mà cả lê dân ít nhiều đều có gốc gác từ Tàu. Có muốn chối bỏ điều đó cũng không được, nó thể hiện rành rành trên chứng minh thư mỗi người.
HỌ TRIỆU 趙
Xếp theo số lượng thì họ Triệu đứng hàng thứ 7 ở Trung Hoa.
Họ Triệu hình thành chủ yếu là do họ Doanh 嬴. Thủy tổ họ Doanh có công lớn trừ phản tặc, được Chu Mục vương (1054-949 trCn) cắt thưởng cho thành Triệu. Từ đó, để nhớ huân công này, phần nhiều con cháu họ Doanh lấy Triệu làm họ, và lập ra nước Triệu thời Chiến quốc. Triệu quốc thiên đô đến Hàm Đan (nay thuộc tỉnh Hà Bắc), đến năm 222 trCn thì bị Tần diệt. Họ Triệu sinh sôi phát triển chủ yếu ở miền bắc Trung Hoa.
Theo “Sử ký” của Tư Mã Thiên, vào cuối đời Tần, dòng dõi nước Triệu là Triệu Đà, làm huyện lệnh của Tần, vì bất phục, muốn tạo dựng giang sơn riêng, nên đã cát cứ một dải Lĩnh Nam, lấy Quảng Châu làm trung tâm, lập ra nước Nam Việt, tự xưng Nam Việt vương.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Họ Triệu, tên húy là Đà, người huyện Chân Định, nước Hán, đóng đô ở Phiên Ngung (nay ở tỉnh Quảng Đông). Giáp Ngọ, năm thứ 1 [207 trCn], Tần Nhị thế năm thứ 3, vua chiếm lấy đất Lâm Ấp và Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt vương”.
HỌ NGÔ 吳
Ngô được xếp hạng là dòng họ lớn thứ 10 ở Trung Hoa, hàng thứ 6 ở Việt Nam, và là một trong 20 họ phổ biến ở Triều Tiên.
Nguồn gốc họ Ngô vốn từ họ Cơ 姬, thủy tổ là Thái Bá và Trọng Ung đời nhà Thương.
Nguyên đời Thương (1766-1122 trCn), thủ lĩnh họ Cơ của bộ tộc Chu là Cơ Cố Công (Chu Thái vương) có ba con trai: Thái Bá, Trọng Ung và Quý Lịch. Chu Thái vương đặt hy vọng lớn vào người con út Quý Lịch. Thái Bá và Trọng Ung do đó truyền ngôi lại cho em. Quý Lịch sau này có người con là Cơ Xương làm nên đại nghiệp, lập nhà Chu, chính là Chu Văn vương, người diệt nhà Thương. Nói về Cơ Thái Bá và Cơ Trọng Ung, họ sau đó đã đến khai phá vùng duyên hải mạn đông nam.
Năm 585 trCn, cháu đời thứ 19 của Trọng Ung là Thọ Mộng chính thức xưng vương, lập nên nước Ngô hùng mạnh, từng tranh bá với thiên hạ. Đến 473 TrCn, Ngô bị nước Việt diệt. Con cháu nước Ngô chạy loạn tứ tán, để khỏi quên nước cũ, họ lấy quốc hiệu Ngô làm họ.
Họ Ngô đào thoát ra hải ngoại, đã sớm đến Nhật Bản. Sau khi nước Ngô bị diệt, khoảng 450 trCn, nhiều con cháu họ Ngô đã đến Nhật Bản. Có nhiều giả thiết cho rằng Thần Võ thiên hoàng (Jinmu Tennō), vị Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản, là dòng dõi họ Ngô thời Chiến quốc.
Cùng lúc với nhánh lánh nạn sang phương đông, một chi khác của họ Ngô thiên di về phương Nam, đến Giao Chỉ. Sau đó, do nhậm chức quan hoặc bởi doanh thương, họ Ngô ngày càng nhiều người tìm đến vùng đất này. Trong bộ “Nguyên Hòa tính toản” của Lâm Bảo đời Đường biên soạn còn ghi lại: Cháu đích tôn của họ Ngô ở Bột Hải là Ngô Nạp nhậm chức thứ sử An Châu (sau đổi thành Ái Châu, nay là tỉnh Thanh Hóa), do đó nhiều người họ Ngô ở Bột Hải đã di cư đến miền bắc Việt Nam.
Khi nhà Đường diệt vong, Trung Hoa phân rã thành 10 nước. Lúc ấy có Lưu Ẩn là tiết độ sứ Thanh Hải quân kiêm tiết độ sứ Tĩnh Hải quân và An Nam đô hộ phủ. Lưu Ẩn mất, em là Lưu Nham lên thay, tự xưng mình là hậu duệ nhà Hán, lập ra nhà Nam Hán. Đây chính là thời kỳ Ngũ đại Thập quốc bên Tàu (907-979). Năm 917, Nam Hán bổ nhiệm Dương Đình Nghệ làm tiết độ sứ Giao Chỉ.
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị bộ tướng là Kiều Công Tiễn sát hại để cướp ngôi vị. Năm sau, một nha tướng khác, đồng thời cũng là con rễ của Dương, là Ngô Quyền, mang quân từ châu Ái (Thanh Hóa) kéo về giết Kiều Công Tiễn, đồng thời đánh bại luôn quân Nam Hán vừa kéo sang toan bình định Giao Chỉ. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, lập nên nhà Ngô. Sử nước ta vẫn thường tâng bốc Ngô là vương triều độc lập đầu tiên của Đại Việt, nhưng thực ra đây chỉ là sự tranh chấp quyền lợi và thế lực giữa bọn quan lại Trung Hoa trong lúc rối ren mà thôi.
Ngô Quyền chính là một người Tàu, là cháu đời thứ 50 của Ngô Quý Trát ở trấn Diên Lăng thuộc tỉnh Giang Tô. Quý Trát là con thứ tư của Thọ Mộng, người khi xưa đã lập nên nước Ngô. Ngô vương vốn muốn truyền ngôi cho Thọ Mộng, nhưng ông không chịu nhận, bỏ trốn đến Diên Lăng khai khẩn lập ấp. Chi họ Ngô này sau đó có người thiên di sang Nam, đến đời Ngô vương Quyền thì được làm nha tướng, lại được Dương Đình Nghệ gả con, cho phụ coi quản châu Ái.
HỌ ĐINH 丁
Theo các sách “Nguyên Hòa tính toản”, “Vạn tính thống phổ”, “Thông chí – thị tộc lược”, thì gốc của họ Đinh là từ họ Khương. Con trai Khương Tử Nha là Khương Cấp, cùng làm trọng thần nhà Chu, khi mất được Chu ban cho thụy hiệu là Đinh công, con cháu của Cấp vì đó lấy thụy hiệu làm họ.
Thời Ngũ đại Thập quốc, Trung Hoa mênh mông chia thành 10 nước xâu xé nhau, thì quận Giao Chỉ nhỏ bé bằng bàn tay cũng chia làm 12 sứ quân (944-968) tranh giành thế lực, và trong 12 thế lực đó, hết 3/4 có thể xác định đều là người Tàu.
Đinh Bộ Lĩnh, người anh hùng cờ lau tập trận, là con của Đinh Công Trứ. Trứ vốn người Tàu gốc ở Quảng Đông, sang làm thứ sử châu Hoan, là nha tướng của sứ quân Trần Lãm. Khi Trần Lãm mệnh một (năm 967), Đinh Bộ Lĩnh thừa hưởng binh quyền, từ đó dẹp bọn người Tàu kia, lập ra nước Đại Cồ Việt (968). Nếu không có gốc gác họ Tàu đó, vào năm 975, Tống Thái tổ khó lòng phong Đinh Bộ Lĩnh làm “An Nam Đô hộ Kiểm hiệu Thái sư Giao Chỉ quận vương”, để kể từ đó Trung Hoa chịu nhìn nhận Đại Việt như một nước chư hầu, chứ không phải là quận huyện do họ cai quản nữa.
HỌ LÊ 黎
Lê xếp hạng 92 trong sách “Bách tính gia” của Trung Hoa (soạn vào đời Tống), nhưng là một trong 10 họ lớn ở Việt Nam.
Đời nhà Thương, có hai nước chư hầu nhỏ cùng lấy quốc hiệu là Lê: một thuộc khu vực tỉnh Sơn Tây (Trung quốc) ngày nay; và một ở huyện Vận Thành tỉnh Sơn Đông. Con cháu hai nước này đều lấy quốc hiệu làm họ.
Từ thời cổ đại, đã có nhiều người Tàu họ Lê di cư sang Đại Việt, chẳng những thế, họ còn gầy dựng Lê thành vọng tộc suốt một dải Thanh Hóa.
Năm 980, người họ Lê gốc Thục (Quảng Tây) là Lê Hoàn sáng lập nên triều Tiền Lê của Đại Việt.
Năm 1428, một người họ Lê khác, gốc Mân (Phúc Kiến), là Lê Lợi lập nên triều Hậu Lê. Đọc kỹ “Đại Việt sử ký toàn thư”, ta sẽ thấy ông Phúc Kiến Lê Lợi là người quen biết, thường xuyên vào ra trướng phủ của các quan cai trị người Minh.
HỌ LÝ 李
Lý xếp hạng tư trong “Bách gia tính”, tính về số lượng là dòng họ lớn nhất ở Trung Hoa. Họ Lý vốn đã có từ đời nhà Ân, gốc ở Lộc Ấp tỉnh Hà Nam, hậu duệ sau này lập nên Đại Đường (618–907) thịnh trị ở Trung Hoa. Do nhiều duyên khởi, sau khi nhà Đường bị diệt, đã hình thành nên hai chi họ Lý ở Việt Nam và Triều Tiên.
Năm 1009, Lý Công Uẩn, người đất Mân (Phúc Kiến), vốn dòng dõi Tào vương Lý Minh (con trai Đường Thái tôn Lý Thế Dân) lập nên nhà Hậu Lý.
“Đại Việt sử ký toàn thư” ghi thân thế Lý Công Uẩn rất khôi hài: bà mẹ họ Phạm, nhân đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng với thần nhân giao hợp mà có chửa”.
Theo “Tốc thủy ký văn” (soạn khoảng 1019-1086) của Tư Mã Quang viết về giai đoạn Lục triều của Bắc Tống, có đoạn thuật lại nguyên do chiến tranh giữa Tống-Lý, vô tình nhắc đến một chi tiết liên quan đến nguồn gốc nhà Lý:
<Niên hiệu Hy Ninh (1068-1077), tiến sĩ Lĩnh Nam là Từ Bách Tường nhiều lần thi rớt đại khoa, ngầm viết thư cho Giao Chỉ rằng: “Đại vương vốn TỔ TIÊN LÀ NGƯỜI MÂN. Nghe rằng hiện công khanh quý nhân ở Giao Chỉ phần lớn là người Mân. Bách Tường này tài ba chẳng kém ai, nhưng không được dùng ở Trung quốc, mong được phò tá dưới trướng đại vương. Nay Trung quốc muốn cử đại binh tiêu diệt Giao Chỉ. Binh pháp có câu: Kẻ ra tay trước có thể chiếm được lòng người, chi bằng cử binh đánh trước, Bách Tường xin làm nội ứng”. Vì thế mà Giao Châu dấy binh vào đánh cướp, vây hãm ba châu Khâm, Liêm, Ung. Bách Tường không kịp đến quy hàng. Khi ấy Thạch Giám quen thân với Bách Tường, dâng tấu khen Bách Tường có chiến công, ngoài chức Thị cấm, sung thêm làm Tuần kiểm ba châu Khâm, Liêm, Bạch. Triều đình sai Tuyên Huy sứ Quách Quỳ thảo phạt Giao Chỉ. Giao Chỉ xin hàng, cáo giác rằng: “Chúng tôi vốn không có ý cướp phá, là do người Trung quốc xúi giục thôi”. Lại trình thư của Bách Tường cho Quỳ. Quỳ lệnh cho Chuyển vận ty của tỉnh Quảng Tây tra hỏi. Bách Tường chạy trốn, rồi tự treo cổ chết>
Ngoài ra, còn “Mộng Khê bút đàm” (soạn khoảng 1086-1093) của Thẩm Quát (1031-1095); “Tục Tư trị thông giám trường biên” của Lý Đảo (1115-1184), “Trịnh Thiều Châu kỷ lược phụ lục” (soạn khoảng 1240-1280) của Trịnh Tủng, cũng đều khẳng định gốc gác người Mân của nhà Hậu Lý.
Thậm chí, còn có “Lý trang Chử nội Lý thị phòng phả” (soạn năm 1266 – đời Nam Tống), là sách gia phả dòng họ Lý ở đất Mân còn ghi chi tiết cụ thể: ông nội Công Uẩn tên Lý Tung (883-948), nguyên tịch huyện Nhiêu Dương, Thâm Châu. Tung làm tể tướng nhà Hậu Tấn, đời Tấn Cao tổ (trị vì năm 942-946), Tung bị vu oan hãm hại nên con cháu phải dời đến đất Mân; cha Uẩn là Lý Thuần An (921-999), con cả của Lý Tung, đang làm chức Thủy lục Vận sứ, do cha bị hại mà phải bỏ quan chức đào thoát, An từ đó kinh doanh vận tải đường thủy, từng đưa thuyền đến Chân Lạp, Xiêm La, và sau định cư Giao Chỉ; còn Công Uẩn, vốn tên chữ là Triệu Diễn, con thứ của Thuần An.
Những sách liệt kê trên đều là sử liệu quan trọng, có ghi rõ gốc gác Công Uẩn, và đều có trước “Đại Việt sử ký Toàn thư” (soạn 1272-1697), vậy tại sao “Toàn thư” lại chép Uẩn là con hoang của thần nhân, con nuôi của Lý Khánh Văn? Các nhà chép sử của Đại Việt còn nợ hậu thế câu trả lời cho vấn đề này.
Do hoàng thất gốc Mân, nên thời Lý-Trần, người Mân từ Trung Hoa sang đều được ưu đãi, phong cho quan chức và trọng dụng. Triều đình Lý-Trần do đó cũng mô phỏng y hệt thể chế Trung Hoa, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, khoa cử. Chữ Hán được phổ cập và dùng làm phương tiện tiến thân cho tầng lớp nho sĩ. Có thể nói, Lý-Trần tuy tiếng là vương triều độc lập, nhưng lại có công Hán hóa Việt tộc hơn cả người Hán.
Làm vua rồi, Uẩn bắt chước các hoàng đế Trung Hoa, phong “quốc tính” cho những người có công trạng, họ Lý ở Đại Việt từ đó lan rộng.
HỌ TRẦN 陳
Họ Trần được phân bố rất rộng, đây là họ được xếp hàng thứ 10 trong “Bách gia tính”, lớn hàng thứ 5 ở Trung Hoa, và là một trong 10 họ lớn ở Việt Nam.
Họ Trần vốn gốc là nước Trần cổ đời Tây Chu, chiếm lĩnh vùng Hoài Nam (nay thuộc tỉnh Hà Nam – Trung Hoa). Vua khai quốc nước Trần là Duy Mãn, vốn là hậu duệ của vua Thuấn, con cháu lấy quốc hiệu cựu triều làm họ nên có họ Trần.
Họ Trần thiên di hải ngoại, đời Tống đã có người họ Trần đến Giao Chỉ. “Toàn thư” ghi họ Trần vốn người đất Mân. Nhưng truy theo gia phả thì tổ tiên Trần thiệt ra là họ Tạ. Tạ Thăng Khanh vốn người huyện Trường Lạc, phủ Phúc Châu (nay là thủ phủ tỉnh Phúc Kiến), do thất chí trong khoa cử nên bỏ nhà lưu lạc đến Ung Châu, tỉnh Quảng Tây. Sau đó Khanh buôn bán ở vùng biên giới, được viên quan ở Giao Chỉ là Trần Hiếu nhận làm rễ, lại đổi tên cho thành Trần Kính. Kính chính là cha của Trần Thừa, ông nội của Trần Cảnh tức Trần Thái tôn (1218-1277).
[“Đại Việt sử ký Toàn thư” ghi: “... Trước kia, tổ tiên vua là người đất Mân (có người nói là người Quế Lâm), có người tên là Kính đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, sinh ra Hấp, Hấp sinh ra Lý, Lý sinh ra Thừa, đời đời làm nghề đánh cá. Vua là con thứ của Thừa, mẹ họ Lê...” (Bản kỷ, Trần Thái tôn hoàng đế)].
Sau khi lên ngôi, nhà Trần liền cử sứ giả sang Tàu cầu phong, nguyện suốt đời giao hảo với Đại Tống, được sách phong An Nam quốc vương.
Do cả đời chỉ biết Đại Tống là thượng quốc, vẫn cho Trung Hoa là đệ nhất thiên hạ, nên khi Mông Cổ mượn đường đánh Tống, nhà Trần chẳng biết trời cao đất dày, xem quân Mông như phường man di nhược tiểu. Trong cuộc “Kháng Mông lần thứ nhất” (1257), “Toàn thư” thuật lại trận chiến, thấy vua tôi nhà Trần ra trận vẫn khinh thị như đi xem hát, mãi đến lúc kinh thành Thăng Long bị san bằng mới hiểu ra sức mạnh của đội quân Mông Cổ. Và sau này, khi núng thế trước sức mạnh ấy, Thái tôn hỏi kế, Trần Nhật Hiệu đã bày mưu “nhập Tống” (chạy sang nước Tống). Hẵn khi đó, anh em nhà ấy vẫn không sao ngờ rằng hơn 20 năm sau Nam Tống bị Mông Cổ nuốt gọn.
HỌ HỒ 胡
Trong “Bách gia tính”, Hồ đứng hàng thứ 158, nhưng về số lượng lại xếp hàng thứ 13 ở Trung Hoa.
Họ Hồ, cũng như Trần, vốn bắt nguồn từ nước Trần cổ, đầu triều Tây Chu. Vốn Duy Mãn sáng lập nước Trần có thụy hiệu là Hồ công, con cháu do đó chia làm hai chi, một chi lấy quốc hiệu Trần làm họ, chi kia lấy thụy hiệu Hồ làm họ.
Hồ Quý Ly (1336-1407), có lẽ do không được các sử gia đánh giá cao, nên đã ghi rất chi tiết về nguồn gốc: “... Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật, vốn là người Triết Giang bên Trung quốc, thời Hậu Hán (947-950) được vua Hán cử sang làm Thái thú Châu Diễn (tức vùng Diễn Châu, Nghệ An). Đến thời loạn mười hai sứ quân, họ Hồ dời vào hương Bào Đột (nay là xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An) và trở thành một trại chủ. Đến thời Lý, trong họ có người lấy công chúa Nguyệt Đích, sinh ra công chúa Nguyệt Đoan. Đời cháu thứ 12 của Hồ Hưng Dật là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lại, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Hồ Liêm làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn rồi lấy họ Lê làm họ của mình. Hồ Quý Ly là cháu 4 đời của Lê Liêm, khi lên làm vua thì đổi lại họ Hồ” (“Toàn thư”, phụ lục Bản kỷ nhà Trần).
Quý Ly không hề giấu diếm nguồn gốc người Tàu của mình. Lên ngôi, ông liền đổi quốc hiệu thành Đại Ngu – để ghi nhớ gốc họ Hồ vốn là con cháu Ngu Thuấn. Do gốc Tàu, thông thạo ngôn ngữ mẫu quốc, nên con Quý Ly là Nguyên Trừng sau này được nhà Minh trọng dụng.
Sau này, có một kẻ họ Hồ từ tông chi Hồ Quý Ly, đổi thành họ Nguyễn và tiếm xưng hoàng đế, chính là Nguyễn Huệ [Hồ Thơm] (1788-1792).
HỌ MẠC 莫
Mạc là dòng họ lâu đời nhất Trung Hoa, được sách “Bách gia tính” xếp hàng 168. Họ Mạc chiếm số lượng lớn ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Tứ Xuyên.
Thủy tổ họ Mạc là Chuyên Húc, cháu nội Hoàng Đế. Chuyên Húc xây dựng thành cổ là Mạc thành (nay thuộc Hà Bắc, Trung Hoa), con cháu lấy tên đất đó làm họ là Mạc.
Họ Mạc khởi nguyên có hai chi: một chi ở Hà Bắc như đã nói trên; chi khác bắt nguồn từ nước Sở thời cổ. Thời Nam Bắc triều (420-589), các ngoại tộc đến định cư ở Tàu phần lớn đều lấy Mạc làm họ. Đến thời Ngũ đại Thập quốc (907-979), họ Mạc ở tỉnh Giang Nam phát triển mạnh, còn họ Mạc ở phương bắc do sự trà trộn của ngoại tộc nên suy yếu mai một dần. Lúc này họ Mạc bắt đầu đến Phúc Kiến sinh sống. Cuối đời Tống, do Mông Cổ xâm phạm, họ Mạc lại lần xuống đến Quảng Đông, Quảng Tây.
Mạc Đăng Dung (1483-1541), tổ tiên vốn là di dân Trung Hoa từ Quảng Đông. Cùng là soán ngôi, nhưng Điện tiền thị vệ Lý Công Uẩn được tôn là minh quân, còn Đô chỉ huy sứ Mạc Đăng Dung phải chịu tiếng lộng thần. Triều Mạc ngắn ngủi, chỉ 13 năm (1527-1540), cũng như triều Hồ, bị lên án vì đã bại binh trước quân Tàu.
Mạc Kính Thự trong tờ biểu cầu cứu Mãn Thanh cũng có kể ra ông cha mình vốn gốc ở thôn Trà Hương, huyện Đông Quan, Quảng Đông.
HỌ TRỊNH 鄭
Họ Trịnh nguồn gốc từ nước Trịnh (806-375 trCn) thời Xuân Thu. Trịnh bị nước Hàn diệt, con cháu lấy tên nước cũ làm họ. Trịnh đứng hàng thứ 7 trong “Bách gia tính”, về số lượng xếp hàng 21 ở Trung Hoa. Họ Trịnh phân bố rất rộng, đặc biệt đông đúc ở Chiết Giang và Phúc Kiến.
Họ Trịnh di dân từ Phúc Kiến đã dựng nên nhà Trịnh ở Đại Việt, tồn tại được 242 năm (1545-1787).
Trịnh Hoài Đức (1765-1825), công thần của nhà Nguyễn, cũng là dòng dõi họ Trịnh ở đất Mân (tên tắt của tỉnh Phúc Kiến) này.
HỌ NGUYỄN 阮
Nguyễn là tên một nước chư hầu nhỏ thời nhà Thương (1766-1122 trCn). Nước này chiếm lĩnh một dải huyện Kính Xuyên, thuộc tỉnh Cam Túc. Cuối đời Thương, nước Nguyễn bị diệt, con cháu lấy tên nước cũ làm họ.
Thời Nam Bắc triều, Trung Hoa đại loạn. Họ Nguyễn ở vùng Giang-Chiết vì muốn tránh xa chiến địa nên dâng tấu tình nguyện sang Giao châu làm quan rất đông. “Hậu Hán thư” ghi lại trong số đó có viên huyện lệnh Đan Dương, tên là Nguyễn Phu xin được chức thứ sử Giao Châu, bèn sang Nam trấn nhậm [vào năm 353].
Họ Nguyễn từ đó phát triển sang Đại Việt. Sau đó, khi Trần cướp ngôi đã buộc toàn bộ họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn. Nguyễn vì vậy trở thành dòng họ lớn nhất Việt Nam.
Có nhiều giả thiết đặt ra xoay quanh nguồn gốc chúa Nguyễn, có vài nguồn khẳng định Gia Long chính nhờ gốc Mân này mà được hầu hết Hoa kiều ở Việt Nam hết lòng ủng hộ tài lực, vật lực, làm nên nghiệp đế.
* * *
Rốt lại, như đã nêu, vương tôn hoàng tộc của Đại Việt đều có họ bắt nguồn từ Trung Hoa, vậy còn bọn bá tánh tầm thường thì sao? Xin thưa, cũng vậy mà thôi. Chỉ khác ở chỗ nếu các dòng dõi làm vương làm tướng xứ Đại Việt là có tỵ tổ thuộc hàng quan lại hoặc thương nhân Trung Hoa, thì bọn bá vơ tầm thường cũng là dòng dõi con cháu người Tàu, nhưng lại là con cháu bọn trọng phạm giặc cướp, bị đày xuống vùng ma thiêng nước độc phương Nam này, và bọn này đặc biệt rất đông. “Dòng giống Lạc Hồng” chỉ là lời đánh lừa của bọn sử gia mà thôi. Việt tộc đừng bàn chuyện “thoát Hán” chi thêm mất công, các vị còn lâu lắm mới thoát khỏi được bàn tay của Như Lai, à ha!