HẬU DUỆ "TRƯNG TRẮC, TRƯNG NHỊ" TẠI INDONESIA
Nhiều đoạn phim quảng bá du lịch cho đảo Sumatra tuyên bố tổ tiên người Minangkabau là người Việt cổ xưa đã di cư đến Indonesia bằng thuyền (tộc người Minangkabau chiếm tới 80% trong tổng số 4,5 triệu dân hiện nay của tỉnh Tây Sumatra). Ngoài ra còn có tộc người Toraja trên đảo Sulawesi, tộc người Dayak trên đảo Borneo cũng được coi là có mối liên hệ với người Việt cổ, đã lưu lạc tới đây từ thời Hùng Vương.
* Tộc người MINANGKABAU trên đảo Sumatra:
Vào mùa Xuân năm 43, một số tướng lĩnh của Hai Bà Trưng cùng những người không chịu khuất phục giặc Hán phương Bắc, đã chạy về phương Nam và cuối năm đó họ giong thuyền ra biển. Những đợt gió mùa Đông Bắc đã đẩy thuyền của họ dạt vào eo biển Malacca. Tiếp đó, họ định cư tại khu vực phía Tây đảo Sumatra.
Tộc người này theo chế độ thị tộc mẫu hệ. Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là “Turun Cicik”, em gái của Turun Cicik nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là “Turun Nyi”. Hai danh xưng này gần gũi về mặt ngữ âm trong cách đọc “Trưng Trắc”, “Trưng Nhị” của người Việt (Có một nghi vấn từ bấy lâu về danh xưng "Trưng Trắc", "Trưng Nhị": trong họ tên của người Việt, không có họ "Trưng", vậy "Trưng" là gì? Rất có thể, từ khảo cứu trên đảo Sumatra, "Trưng Trắc", "Trưng Nhị" là cách định thứ bậc, đọc theo âm Việt cổ).
Người Minangkabau ngày nay theo đạo Hồi, nhưng tín ngưỡng nguyên bản của họ là thuyết vật linh (tin rằng vạn vật có linh hồn). Theo nhiều nhà nghiên cứu, thuyết vật linh cũng là tín ngưỡng bản địa của người Việt cổ trước khi du nhập đạo Khổng, đạo Lão và đạo Phật.
* Tộc người TORAJA trên đảo Sulawesi:
Kiểu “nhà sàn hình thuyền” được khắc trên trống đồng Đông Sơn có mái cong lên như hai đầu mũi thuyền (ở hai đầu nhà có hai cột chống và ở giữa có kê thang để lên sàn) là một kiểu kiến trúc gây băn khoăn cho giới nghiên cứu. Bởi vì, rất kỳ lạ, các dữ liệu lịch sử về kiểu “nhà sàn hình thuyền” lẫn dữ liệu trên thực địa hầu như không còn tìm thấy tại Việt Nam.
Trong khi đó, nhà sàn của tộc người Minangkabau và nhất là kiểu nhà sàn của tộc người Toraja trên đảo Sulawesi giống hệt với những hình vẽ trên trống đồng Đông Sơn!
Theo một qui luật khá phổ biến, những di dân thường giữ lại một số đặc trưng văn hóa trong kiến trúc, tập tục nguyên bản của “cố hương”; trong khi đó tại nguyên quán do biến thiên thời gian hàng trăm năm, ngàn năm và do giao lưu văn hóa đã dẫn đến việc xáo trộn kiến trúc, tập tục, dẫn đến sự biến mất của một số kiến trúc, nghi thức.
Sự lạ mắt đầy cuốn hút của những “nhà sàn hình thuyền” tongkonan đã khiến cho vùng đất của tộc người Toraja trở thành một điểm đến kỳ thú đối với du khách quốc tế.
* Tộc người DAYAK trên đảo Borneo:
Theo giới nghiên cứu, tổ tiên của người Dayak đã di cư từ lục địa châu Á ra đảo từ hơn ba ngàn năm trước. Xã hội Dayak bắt đầu khởi sắc khi nghề luyện kim được truyền đến hòn đảo này cách nay khoảng 2.450 năm, tương ứng với thời kỳ Hùng Vương của nước Việt cổ.
Sự tôn thờ đặc biệt của người Dayak được dành cho hình tượng rồng và chim thần, bởi vì họ cho rằng đó là hai linh vật trong truyền thuyết về sự ra đời của tộc người Dayak! Đặc điểm này chẳng khác gì so với cư dân Việt thời Hùng Vương luôn coi mình là “con Rồng cháu Tiên” và tôn vinh chim Lạc như biểu tượng của đất nước.
Chim thần của người Dayak hao hao với hình chim Lạc trên trống đồng.
Trong cách ăn mặc của người Dayak hiện nay có một đặc điểm rất đáng chú ý: sử dụng mũ được kết bằng những chiếc lông chim dài, trông giống với những hình người trên hoa văn trống đồng Đông Sơn. Cách đội lông chim được vẽ trên trống đồng Đông Sơn, ở VN hiện nay không còn một sắc tộc nào sử dụng, trong khi ở Borneo tập tục sử dụng lông chim vẫn còn lưu hành.
Quá khứ thời Hùng Vương, thời Hai Bà Trưng quá xa xưa đến mức không còn mấy dấu vết tại Việt Nam. Thật kỳ thú, quá khứ ấy lại đang có mặt trong đời sống hiện nay của một số tộc người ở Indonesia (dẫn trên).